Thay đổi tích cực từ mô hình "Công dân học tập"
Hội Khuyến học tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình Công dân học tập (CDHT) với mục tiêu đưa phong trào xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.
Mô hình CDHT được triển khai thí điểm từ tháng 11-2020 đến tháng 6-2021, Hội Khuyến học tỉnh sẽ chọn 3 đơn vị cấp huyện gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và huyện Ea Kar để triển khai mô hình. Hội Khuyến học các xã, phường, thị trấn chọn 3 đơn vị thôn, buôn, tổ dân phố hoặc cơ quan… và 10 gia đình tham gia.
Cán bộ Hội Khuyến học phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn người dân (bìa phải) đăng ký mô hình Công dân học tập. |
Được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu về phong trào khuyến học, khuyến tài, sau khi được Hội Khuyến học tỉnh chọn là địa bàn thực hiện thí điểm mô hình CDHT, Hội Khuyến học TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai tại phường Tự An, Tân Lợi và xã Hòa Khánh. Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Buôn Ma Thuột cho biết, CDHT là hạt nhân của xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập thì trước hết phải có những CDHT. Trong một gia đình, nếu có thành viên nào không là CDHT thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học mà người lao động làm việc không tham gia học tập thì không thể đạt đơn vị học tập. Vì vậy, CDHT là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập.
Tại thị xã Buôn Hồ, công tác triển khai mô hình CDHT đến cán bộ, công chức và người dân ở những địa bàn được chọn thí điểm cũng được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bám sát tiêu chí hướng dẫn. Nhờ tích cực xác định, thu thập thông tin, làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình trong các tầng lớp nhân dân nên nhận thức về việc học trong các gia đình đã tăng lên. Cán bộ và người dân quan tâm hơn đến việc học tập của con em, đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tự nguyện tham gia đọc sách, báo tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại để cập nhật, khai thác thông tin trong nước và quốc tế. Ông Trần Ngọc Diêu, Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã Buôn Hồ chia sẻ: “Bộ tiêu chí CDHT của tỉnh có các nội dung, bước tiến hành, hình thức đăng ký, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả khá phù hợp và mang tính khả thi cao song cần tăng thêm thời gian thí điểm mô hình lên tối thiểu một năm để các cá nhân có thời gian tự học, rèn luyện, bồi dưỡng. Ngoài ra, tự mỗi người cần thay đổi bản thân mình để phù hợp với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi đó phải là nhu cầu tự thân của mỗi người thì mới có kết quả như mong muốn”.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Ngọc Đào
|
Hiện nay, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức tập huấn, phổ biến kế hoạch, kỹ năng xác định, chấm điểm tiêu chí đánh giá CDHT cho các đơn vị. Bộ tiêu chí CDHT gồm ba nhóm năng lực cốt lõi: Năng lực tự học và học tập suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội. Đây là những năng lực và phẩm chất mà ai cũng có nhưng để đạt được thì không dễ. Anh Đỗ Văn Thành Quốc, tổ dân phố 10 (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, các chỉ số đánh giá kỹ năng trong bộ tiêu chí do Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra còn chung chung. Đơn cử như chỉ tiêu về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ không phù hợp với điều kiện thực tế vì môi trường giao tiếp tiếng Anh tại địa phương còn hạn chế, chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, phục vụ các kỳ thi nên một số công dân dù đã qua đào tạo ngoại ngữ song do không có môi trường sử dụng thường xuyên nên khả năng giao tiếp còn hạn chế.
Gia đình anh Đỗ Văn Thành Quốc, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) dành nhiều thời gian hướng dẫn con học tập. |
Theo ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, hiện mô hình CDHT mới đưa vào thí điểm nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm. Để mô hình triển khai hiệu quả, các cấp hội khuyến học cần tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, nhất là ngành giáo dục có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của mô hình. Tùy từng điều kiện cụ thể, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh những chỉ số sao cho phù hợp. Đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục mở lớp đào tạo dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức, viên chức, người dân được học tập, nâng cao năng lực, trình độ.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc