Cùng con có một mùa hè bổ ích
Con được nghỉ hè, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, không còn cách nào khác, anh bạn tôi đành khóa cửa để cậu con trai lớp 6 ở nhà một mình.
Quanh quẩn trong nhà, thời gian chủ yếu của con trai là làm bạn với ti vi và máy tính. Cả năm học tập căng thẳng nên anh cũng cho con có khoảng thời gian nghỉ ngơi, xả stress.
Nhưng vài ba ngày gần đây, anh quan sát thấy mắt con thâm quầng, buổi tối ngủ thường nói mớ, rồi chân tay đấm đá loạn xạ. Theo dõi và kiểm tra, hóa ra cháu bị ảnh hưởng tâm lý khi chơi quá nhiều trò chơi bắn súng, đấm đá trên mạng Internet.
Nghiên cứu thêm thông tin, vợ chồng anh càng lo lắng khi không ít trẻ đã trở thành “nô lệ” của nhiều game online. Ban đầu chỉ là chơi giải trí, nhưng sau thành nghiện, không được chơi là trẻ bứt rứt, khó chịu. Nhiều vụ ẩu đả, trộm cắp, cướp giật để lấy tiền “cống nạp” cho những trò chơi điện tử cũng đã xảy ra trên thực tế.
Thay vì la mắng, quát nạt, cấm đoán, anh chị nói chuyện với con rất nhẹ nhàng, tìm hiểu và chia sẻ những mong muốn của con. Thấy con nói chuyện rất rành rọt, say mê về các streamer họ livestream, review game như thế nào, anh chị bình tĩnh nghe để phân tích, uốn nắn.
Thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, rất nhiều trẻ em được tiếp cận với công nghệ thông tin từ nhỏ. Đó là lợi thế, cũng đã và sẽ là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống và công việc sau này. Với suy nghĩ ấy, tôn trọng đam mê và đáp ứng sở thích của con một cách phù hợp, anh cùng con lên mạng tìm kiếm những trò chơi giải trí bổ ích, trí tuệ và lành mạnh. Còn chị thì dẫn con đi mua những cuốn truyện, loại sách con thích.
Trẻ học được nhiều điều bổ ích qua đọc sách. Ảnh: Gia Anh |
Anh chị bàn bạc và quyết định xây dựng cho con một thời gian biểu các hoạt động trong ngày. Ngoài quy định thời gian xem ti vi và vào các trang trò chơi đã được lựa chọn, mỗi ngày anh chị hướng cho con đọc nội dung từng phần trong những cuốn sách đã mua, giao cho con những việc lao động nhẹ như lau chùi bàn ghế, quét nhà. Hết giờ ở công sở, anh về nhà cùng con đi bộ hoặc chơi cầu lông. Căn bếp mỗi chiều không chỉ có chị là đầu bếp, mà thêm rôm rả với phụ bếp là cậu con trai.
Sau bữa cơm tối, cả gia đình quây quần nghe con trai kể lại hôm nay đã đọc được những gì và cùng thảo luận. Đó cũng là một cách tinh tế để anh chị kiểm tra những hoạt động của con trong ngày. Con trai phấn chấn, hào hứng hẳn lên khi được bố mẹ khen ở nhà một mình và ra dáng làm "ông chủ nhỏ" lắm khi biết dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan, mùa hè năm nay với học sinh đến sớm hơn so với thông lệ. Không gian vui chơi của các em nhỏ vốn đã chật hẹp, giờ bị hạn chế tập trung đông người nên việc trông nom, quản lý con cái trong mùa hè này càng trở thành câu chuyện đau đầu của các bậc phụ huynh. Mỗi gia đình sẽ có những cách khác nhau để tạo sân chơi cho trẻ ngày hè.
Câu chuyện của vợ chồng anh bạn giúp tôi học được nhiều điều: Quản lý con nhưng không nhất thiết theo kiểu gò ép, áp đặt, cấm đoán. Lắng nghe, tôn trọng sở thích để định hướng, uốn nắn phù hợp; đồng hành, làm bạn; biết động viên khuyến khích đúng lúc…, có lẽ đó chính là mấu chốt thành công để gia đình anh bạn tôi giúp con trai mình đang có được những ngày hè vui tươi, bổ ích.
Lương Việt
Ý kiến bạn đọc