Multimedia Đọc Báo in

Hơn 19.800 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

09:50, 21/05/2021
Sở GD-ĐT cho biết, tỉnh Đắk Lắk có hơn 19.800 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 9-7. 
 
Trong đó, có hơn 4.700 em đăng ký thi để công nhận tốt nghiệp, hơn 14.400 em thi tốt nghiệp lấy kết quả xét vào các trường đại học, cao đẳng và gần 700 thí sinh chỉ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Kỳ thi năm nay, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bố trí 32 điểm thi.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành GD-ĐT tỉnh đã tích cực triển khai các phương án để ôn tập và tổ chức thi phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, đối với học sinh khối lớp 12, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường căn cứ kế hoạch dạy học chủ động xây dựng kế hoạch, huy động toàn lực cho công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
 
 
Học sinh lớp 12, Trường THPT Buôn Ma Thuột chuẩn bị làm bài thi thử tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột chuẩn bị làm bài thi thử tốt nghiệp THPT.
 
 
Các trường phân công lãnh đạo phụ trách theo môn hoặc theo lớp; động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức làm tốt; nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm trong  thực hiện kế hoạch ôn tập.
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa thông tin: Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng học sinh khối 12 trong toàn tỉnh vẫn đi học bình thường kết hợp với học trực tuyến. Ngành GD-ĐT đã chuẩn bị các phương án, kịch bản dạy học, ôn tập trong điều kiện dịch COVID-19, khi cần thiết là kích hoạt ngay.
 
Sở GD-ĐT cũng đang chỉ đạo ráo riết các nhà trường trong vấn đề tổ chức ôn tập, đồng thời tích cực tham mưu với UBND tỉnh về thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; triển khai kế hoạch tổ chức thi; kiểm tra các điều kiện tổ chức thi để Kỳ thi THPT năm 2021 diễn ra cách an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, với mục tiêu đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn năm học 2019 – 2020.
 
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.