Multimedia Đọc Báo in

Khi Euro thiếu vắng những “ngôi sao” thực thụ

09:06, 15/06/2012

 

Trải qua lịch sử 13 kỳ Euro, hàng loạt danh thủ hàng đầu đã ghi dấu ấn của mình khi tham dự. Họ là những “ngôi sao” thực thụ không chỉ có tầm ảnh hưởng với đội bóng mình đang khoác áo mà còn góp phần mang lại cho bóng đá thế giới những sự phát triển nhất định thông qua những trận đấu hấp dẫn, những cuộc đối đầu cá nhân nảy lửa...



Những cái tên làm nên “huyền thoại”

Bóng đá châu Âu đã sản sinh ra rất nhiều những huyền thoại mà chỉ cần nhắc đến cái tên, người ta có thể nhận ra hình ảnh nền bóng đá của một quốc gia. Chẳng hạn, khi nói đến bóng đá Đức, tất cả đều phải nhắc đến tiền vệ huyền thoại của đội tuyển Tây Đức Franz Beckenbauer. Ông có biệt danh “der Kaiser”, trong tiếng Đức có nghĩa là “hoàng đế”, bởi phong cách chơi bóng lịch lãm, vai trò thủ lĩnh nổi tiếng của mình. Nhờ khả năng chiếm lĩnh sân cỏ xuất sắc của mình, ông được công nhận là người đã sáng tạo ra vị trí libero (hay còn gọi là hậu vệ quét) hiện đại và nổi tiếng khi thi đấu trong vị trí này. Chức vô địch châu Âu 1972 và World Cup 1974 của Đức ghi dấu rất lớn nhờ tầm ảnh hưởng của vị trí libero huyền thoại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Đến thời điểm này, Cristiano Ronaldo (trái) là “ngôi sao” gây thất vọng nhất  tại Euro 2012.
Đến thời điểm này, Cristiano Ronaldo (trái) là “ngôi sao” gây thất vọng nhất tại Euro 2012.

Trong khi đó, “Hoàng tử bóng đá” là cách mà người ta gọi “số 10” huyền thoại của bóng đá Pháp Michel Platini. Dưới sự dẫn dắt của Platini cùng với Alain Giresse, Jean Tigana và Luis Fernandez đã tạo nên “bộ tứ huyền ảo” nơi hàng tiền vệ và là trái tim của đội tuyển Pháp trong suốt thập niên 1980. Euro 1984 là năm mà cái tên M.Platini được nhắc nhiều nhất trên toàn thế giới. Kỳ Euro được tổ chức tại chính nước Pháp, số 10 đội trưởng đội bóng áo lam cùng đồng đội đã mang về chức vô địch đầu tiên cho nước Pháp…Trong giới cầu thủ, nếu nói đến Pele thì đó là sự “Siêu phàm”, nói đến Maradona là cụm từ “Trời phú” còn với M. Platini thì đó là sự “Hoàn hảo”.

Với một nền bóng luôn sản sinh rất nhiều tài năng thì cái tên Marco van Basten nổi lên như một biểu tượng bất hủ của đội tuyển Hà Lan. Trong màu áo da cam, Van Basten được biết đến với tất cả sức mạnh cùng trái bóng, kỹ năng chiến thuật nhạy bén cùng những cú sút và volley xuất sắc. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, bóng đá Hà Lan đã “làm mưa làm gió” trên trường quốc tế bằng học thuyết “bóng đá tổng lực” mà Johan Cruyff là một trong những người sáng lập. Thế nhưng phải đến Euro 1988, Van Basten cùng những Ronald Koeman, Frank Rijkaard, Ruud Gullit... mới là những người làm nên cái gọi là “cơn lốc màu da cam” huyền thoại. Màn tỏa sáng của Van Basten ở kỳ Euro năm đó giúp Hà Lan đoạt chức vô địch, đó cũng là chức vô địch Euro duy nhất của Hà Lan tính tới thời điểm này. Đồng thời cũng giúp Van Basten trở thành một trong những ngôi sao vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu. Trong khi đó, Italia nổi tiếng với lối chơi phòng ngự mà người ta thường gọi là catenaccio, thì Paolo Maldini chính là biểu tượng của lối chơi đó. Dù không một lần bước lên đỉnh vinh quang cùng “đoàn quân thiên thanh” sau 3 lần tham dự Euro (1988, 1996 và 2000), nhưng với bản lĩnh và tài chỉ huy của mình Paolo Maldini đã làm nên hàng thủ với lối chơi catenaccio trứ danh.

Euro 2012 - Đỏ mắt tìm sao

Sau thế hệ của những Juergen Klinsmann (Đức) - Vô địch Euro năm 1996, Á quân Euro 1992,  Alan Shearer (Anh) - Vua phá lưới Euro 1996, Zinedine Zidane (Pháp) - Vô địch Euro năm 2000, Patrick Kluivert (Hà Lan) - Vua phá lưới Euro 2000, được coi là những “ngôi sao” thực thụ bởi những đóng góp nhất định cho đội tuyển quốc gia của mình thì đến Euro 2012 dấu ấn cá nhân dường như đã không còn. Euro 2012 đã thiếu vắng hẳn bóng dáng của một thủ lĩnh, cả về chuyên môn lẫn tinh thần để khiến người hâm mộ phải “thổn thức”.

Người được kỳ vọng có thể khoác lên mình tấm áo “huyền thoại đương thời” của bóng đá châu Âu là tiền vệ của đội tuyển Tây Ban Nha Xavi đã không thể hiện được nhiều tầm ảnh hưởng của mình. Cách đây 4 năm trên đất Áo và Thụy Sĩ, Tây Ban Nha đã có chức vô địch sau 44 năm chờ đợi. Xavi cùng các đồng đội tạo nên “Cơn cuồng phong đỏ” bằng lối đá tiqui-taqua nổi tiếng với “trái tim” chính là Xavi. Thế nhưng, tại Euro lần này, dấu hiệu tuổi tác, khát vọng cống hiến đã bắt đầu đè nặng lên đôi chân của Xavi. Dù vẫn khá nổi bật, nhưng khả năng điều tiết và giữ nhịp trận đấu cùng những đường kiến thiết sắc sảo mang “thương hiệu Xavi” đã bắt đầu có vấn đề. Thậm chí trong trận ra quân tại Euro 2012 gặp Italia, Xavi còn chơi khá mờ nhạt trước sự đeo bám quyết liệt của các hậu vệ đối phương. Tuổi tác cũng đang là vấn đề với ngôi sao một thời của bóng đá CH Czech Milan Baros. Từng giành danh hiệu vua phá lưới Euro 2004, Milan Baros được coi là niềm hy vọng của đội tuyển CH Czech tại giải năm nay. Tuy nhiên phong độ mờ nhạt trong trận thua Nga 1-4 (Baros là 1 trong 5 cầu thủ bị chấm điểm 3 – điểm thấp nhất trong danh sách ra sân) cho thấy giới hâm mộ khó có thể trông mong vào tiền đạo 30 tuổi này. Ở đội tuyển Ukraine một danh thủ khác là Andriy Shevchenko cũng đã qua bên kia sườn dốc sự nghiệp. Mặc dù Shevchenko đã trở thành “người hùng” của Ukraine trong trận đầu ra quân khi có 2 bàn thắng mang về thắng lợi cho Ukraine trước Thụy Điển. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những khoảnh khắc lóe sáng trước một đối thủ “hạng trung” của bóng đá châu Âu.

Trong hoàn cảnh bóng đá châu Âu đang thiếu vắng những cầu thủ có thể thay đổi cục diện trận đấu thì những cái tên như Arjen Robben của Hà Lan hay Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha… được kỳ vọng sẽ mang lại bản sắc cho đội bóng của mình. Thế nhưng đó lại là những cầu thủ nằm trong danh sách những ngôi sao thi đấu kém hiệu quả nhất so với mong đợi. Robben liên tục tỏ ra vô duyên với các pha đi bóng rối rắm như đâm vào tường. Những pha dẫn bóng cắt mặt từ cánh phải rồi tung cú sút chân trái về phía khung thành đối phương của Robben gần như đã bị bắt bài tại giải lần này. Lối chơi cá nhân có phần ích kỷ nhưng không đạt hiệu quả của cầu thủ này đã gây rất nhiều khó khăn cho đội tuyển Hà Lan. Quả nói không sai khi Robben đáng phải chịu một phần trách nhiệm sau thất bại của Hà Lan tại Euro 2012. Với đội tuyển Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo là cái tên được trông đợi nhất cũng gây thất vọng không kém. Thực tế lối chơi của Bồ Đào Nha hoàn toàn phụ thuộc vào Ronaldo khi mà tất cả các đường tấn công đều qua chân cầu thủ này. Thế nhưng cầu thủ hay nhất thế giới năm 2008 chỉ còn là cái bóng của mình không hơn không kém. Hai trận đấu vừa qua, không chỉ lu mờ trong vai trò thủ lĩnh, Ronaldo tỏ ra cực kỳ vô duyên trong các pha dứt điểm của mình.

Đến thời điểm này, những cầu thủ có đóng góp lớn trong màu áo các câu lạc bộ, được kỳ vọng sẽ mang lại bản sắc cũng như sự thành công tại đội tuyển quốc gia không thể tỏa sáng đã gây thất vọng lớn cho người hâm mộ. Và một khi dấu ấn cá nhân dường như không còn xuất hiện, Euro 2012 nói riêng, bóng đá nói chung đã phần nào mất đi sức hấp dẫn của đấu trường sân cỏ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc