Multimedia Đọc Báo in

Chia tay một huyền thoại

15:23, 18/05/2013

Ngày 8-5 vừa qua HLV CLB Manchester United Sir Alex Ferguson đã tuyên bố nghỉ hưu sau khi kết thúc mùa giải 2012–- 2013. Đây không chỉ là mất mát lớn với MU mà bóng đá thế giới cũng đã phải nói lời chia tay với một huyền thoại có một không hai.

Không kể đến yếu tố chuyên môn hay bảng thành tích dày cộp, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không thể quên được hình ảnh ông già miệng luôn nhỏm nhẻm nhai kẹo singum khi ngồi trên băng ghế chỉ đạo, luôn thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc của mình sau mỗi pha bóng trên sân. Đó là hình ảnh quen thuộc của vị HLV người Scotland này. Sau gần 27 năm làm HLV trưởng CLB Manchester United, ông đã mang về cho đội bóng áo đỏ vô số thành tích và được xem là giai đoạn hoàng kim nhất của CLB này. Với gần 27 năm cùng Manchester United, ông cũng là HLV gắn bó lâu nhất trong lịch sử CLB sau khi vượt qua kỷ lục của Sir Matt Busby ngày 19-12-2010. Nhiệm kỳ của ông cũng dài nhất so với tất cả các HLV bóng đá hiện tại trên thế giới. Trong thời gian này, Ferguson đã giành được nhiều giải thưởng và nắm giữ rất nhiều kỷ lục bao gồm cả việc giành danh hiệu “HLV của năm” nhiều nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Trong năm 2008, ông trở thành HLV người Anh thứ ba giành chiến thắng trong cúp châu Âu nhiều hơn một lần. Thế nhưng ít ai biết rằng, ông khởi đầu sự nghiệp bóng đá của mình không mấy suôn sẻ. Theo Wikipedia, sự nghiệp bóng đá của Ferguson bắt đầu năm 16 tuổi với Queen’s Park, nơi ông có sự ra mắt trong trận đấu với Stranraer với vai trò tiền đạo. Ông mô tả trận đấu đầu tiên của mình như là một "cơn ác mộng", dù đã ghi cho QPR bàn thắng duy nhất (thua 1-2). Vừa chơi bóng cho Queen Park, ông vừa làm việc trong xưởng đóng tàu Clyde, nơi mà sau này ông trở thành người quản lý một cửa hàng. Trận đấu đáng chú ý nhất của Ferguson cho Queen Park là thất bại 1-7 trước Queen of the South vào ngày lễ tặng quà (Boxing Day) năm 1959 khi cựu tuyển thủ người Anh Ivor Broadis ghi bốn bàn cho Queen of the South còn Ferguson là người ghi bàn thắng duy nhất cho QPR. Mặc dù đã ghi được 20 bàn thắng trong 31 trận cho Queen Park, ông không thể có được vị trí chính thức trong đội hình và chuyển đến St Johnstone vào năm 1960. Mặc dù tiếp tục ghi bàn đều đặn, ông vẫn thường xuyên phải ngồi ghế dự bị và tiếp tục muốn ra đi. Mùa hè năm sau, hợp đồng của Ferguson với Dunfermline được ký và ông trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Mùa giải 1965-1966 Ferguson đã ghi 45 bàn thắng trong 51 trận đấu cho Dunfermline và trở thành vua phá lưới giải vô địch Scotland với 31 bàn thắng cùng với Joe McBride của Celtic. Sau đó ông gia nhập Rangers với mức phí 65.000 bảng - một khoản phí kỷ lục cho chuyển nhượng giữa hai câu lạc bộ Scotland thời bấy giờ. Ông bị đổ lỗi cho một bàn thua trong trận chung kết Cúp Scotland năm 1969 - trận đấu trong đó ông đã được chỉ định theo kèm đội trưởng của Celtic Billy McNeill. Sau đó, ông bị buộc phải xuống chơi cùng đội trẻ câu lạc bộ. Nottingham Forest muốn ký hợp đồng với Ferguson, nhưng vợ của ông không muốn chuyển đến Anh vào thời điểm đó nên ông thay vì Nottingham, ông đã tới Falkirk. Ông được đề nghị vai trò HLV kiêm cầu thủ, nhưng khi John Prentice trở thành người quản lý, vị trí HLV của Ferguson không được chấp nhận. Ferguson phản ứng bằng cách yêu cầu ra đi và chuyển đến Ayr United, nơi ông đã kết thúc sự nghiệp chơi bóng của mình vào năm 1974.

Bước vào nghiệp huấn luyện vào tháng 6-1974 khi Ferguson được bổ nhiệm làm HLV của East Stirlingshire ở tuổi 32. Đó là một công việc bán thời gian được trả 40 bảng mỗi tuần, và câu lạc bộ không có một thủ môn đúng nghĩa vào thời điểm đó. Sau đó ông được mời về để quản lý St Mirren. Ferguson trở thành HLV của St Mirren từ năm 1974 cho đến năm 1978, tạo ra một sự chuyển biến đáng chú ý của một đội bóng ở nửa dưới bảng xếp hạng vốn chỉ có vẻn vẹn khoảng 1000 cổ động viên trở thành nhà vô địch giải hạng nhất vào năm 1977. Tuy nhiên, sau đó St Mirren trở thành câu lạc bộ duy nhất sa thải Ferguson. Tại tòa án ông bị kết tội là chống lại câu lạc bộ và không được kháng cáo. Sự nghiệp huấn luyện của Ferguson bắt đầu “lên hương” khi gia nhập Aberdeen trong tháng 6-1978. Tại Aberdeen ông đã giúp câu lạc bộ 3 lần vô địch quốc gia Scotland, đoạt 4 Cúp Scotland, 1 Siêu cúp Scotland, 1 Cúp C2 và 1 Siêu cúp châu Âu. Đến tháng 11-1986 ông gia nhập Manchester United và bắt đầu con đường làm nên huyền thoại. Ferguson được bổ nhiệm làm HLV tại Old Trafford khi MU đang xếp ở vị trí áp chót trên bảng xếp hạng (21/22), nhưng họ đã kết thúc mùa bóng với vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng. Cầm quân tại MU, ông đã giúp đội bóng có tất cả 38 danh hiệu lớn nhỏ (13 chức vô địch Giải Ngoại hạng Anh (Premier League), 5 cúp FA, 4 cúp liên đoàn, 10 siêu cúp nước Anh, 2 chức vô địch Champions League, 1 cúp C2, 1 siêu cúp châu Âu, 1 cúp Liên lục địa và 1 lần đăng quang FIFA Club World Cup). Ngày 12- 6- 1999, Ferguson đã được nữ hoàng Anh phong tước hiệu Hiệp sĩ cho những cống hiến của mình trong bóng đá.

HLV Alex Ferguson
HLV Alex Ferguson

Người ta biết đến Alex Ferguson không chỉ bởi bảng thành tích đáng nể, ông còn nổi tiếng với các điều luật nghiêm khắc. Từ thời làm HLV của East Stirlingshire khi mới 32 tuổi ông đã nổi tiếng về vấn đề này, đến nỗi tiền đạo Bobby McCulley nói rằng trước đây ông không bao giờ sợ bất cứ ai, nhưng “Ferguson quả thật là người ghê gớm”. Sau này với biệt danh “Máy sấy tóc” ông cũng khiến cho các ngôi sao hàng đầu thế giới phải nể phục vì sự nghiêm khắc của mình. HLV Alex Ferguson cũng là người nổi tiếng với việc phát hiện và sử dụng những tài năng. Nhiều cầu thủ đến với ông khi còn chưa có tên trên “bản đồ” bóng đá, nhưng chỉ sau 1-2 mùa bóng đã trở thành những trụ cột không thể thiếu trong đội hình của “Quỷ đỏ”. Đặc biệt những cầu thủ nổi tiếng như hai anh em Gary Neville - Phil Neville, David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt đều do một tay ông tạo ra và người thường nhắc đến họ như “thế hệ của Fergie”.

Với những cống hiến của mình cho bóng đá, chắc chắn sẽ còn rất lâu, người hâm mộ bóng đá thế giới mới quên được ông thầy khả kính và giàu cá tính người Scotland này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.