Những gương mặt làm rạng danh thể thao Dak Lak
Họ là những vận động viên (VĐV) xuất sắc, khi tham gia các giải khu vực, quốc gia (QG) đã nỗ lực thi đấu hết mình để mang về niềm tự hào cho thể thao Dak Lak. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau ánh hào quang lấp lánh đó là cả quá trình khổ luyện với biết bao mồ hôi, nước mắt...
Ngô Minh Nhật – “Người gác đền” xuất sắc
Mùa bóng hạng Nhất QG 2014 đã chính thức khép lại sau hơn 6 tháng khởi tranh. Lần đầu tiên trở lại sân chơi chuyên nghiệp sau hơn 10 năm vắng bóng, đội tuyển bóng đá Dak Lak đã thi đấu rất thành công và chính thức giành quyền trụ hạng. Trong thành công đó, ngoài sự nỗ lực chung của toàn đội phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của thủ thành Ngô Minh Nhật - thủ môn xuất sắc nhất giải bóng đá chuyên nghiệp (hạng Nhất QG và V-League) do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trao tặng.
Ngô Minh Nhật (SN 1990) là con thứ 5 trong gia đình nghèo có 6 anh, chị em tại huyện Krông Năng. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất từng được mệnh danh là “cái nôi” của thể thao Dak Lak nên Nhật có cơ hội tiếp xúc với nhiều môn thể thao và em đến với bóng đá như duyên nợ. Tuổi thơ của em là những buổi trưa hè cùng đám bạn đá bóng trên những khu đất trống sau giờ tan trường. Vào dịp hè hằng năm, huyện đều tổ chức giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng và qua giải đấu phong trào này, em đã lọt vào “mắt xanh” những người tuyển mộ tài năng bóng đá của Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh. Năm 2000, Nhật rời quê lên thành phố “đầu quân” cho đội tuyển bóng đá nhi đồng Dak Lak tham gia giải Bóng đá nhi đồng toàn quốc tranh Cup Yamaha tại Quân khu 7 (TP. Hồ Chí Minh). Năm đầu tiên “tòng quân”, Nhật hoàn thành tốt vai trò “người gác đền” khi cùng đồng đội đoạt HCB. Sau thành công đó, nhiều cầu thủ cùng thế hệ với Nhật đã “rũ áo ra đi”, song Nhật vẫn quyết tâm trụ lại. Trong những năm chật vật với giải hạng Nhì QG, Nhật vẫn quyết tâm bám trụ cùng “vượt khó” với bóng đá Dak Lak.
Thủ thành Ngô Minh Nhật. |
Trong mùa giải 2014, với phong độ thi đấu chững chạc cùng những pha cứu thua xuất thần đã giúp anh vượt qua hàng loạt tên tuổi khác của bóng đá Việt Nam để trở thành thủ môn xuất sắc nhất giải bóng đá chuyên nghiệp. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mùa giải qua, mỗi khi bước vào trận đấu, Nhật luôn có tâm lý ổn định, thi đấu vô cùng chắc chắn, không hoa mỹ và luôn là chỗ dựa rất vững chắc của cả đội bóng. Dường như ở tất cả các trận đấu của Dak Lak ở giải hạng Nhất cũng như Cup QG, Ngô Minh Nhật đều có những pha cứu thua ngoạn mục, chứng tỏ tài năng của một “người gác đền” xuất sắc. Trong đó ấn tượng nhất là trận Dak Lak loại đương kim Vô địch V-League Hà Nội T&T ở vòng 1/8 Cup QG. Ở trận đấu này, thủ thành Ngô Minh Nhật với tâm lý điềm tĩnh, khả năng phán đoán tình huống chính xác và những pha cản bóng nhanh nhẹn đã làm nản lòng các chân sút hàng đầu V-League như: Samson - người từng được Atletico Madrid chiêu mộ, Gonzalo hay tuyển thủ QG Nguyễn Văn Quyết để đưa Dak Lak vào tứ kết. Ngô Minh Nhật chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của em là vấn đề về chiều cao bởi tiền đạo đối phương là những người sở hữu chiều cao rất lý tưởng. Tố chất rất cần thiết đối với một thủ môn là sự lạnh lùng và gan lỳ. Áp lực với thủ môn luôn rất lớn bởi khi mắc sai lầm thì khó có cơ hội để sửa chữa. Khán giả chỉ nhớ đến các bàn thắng, thậm chí khi thủ môn sai lầm, họ sẽ nhớ rất kỹ nhưng ít khi nhận ra những khoảnh khắc tỏa sáng của thủ môn trong mỗi trận đấu”.
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Dak Lak Lư Đình Tuấn nhận xét về cậu học trò cưng của mình: “Trong mùa bóng vừa qua, Nhật thật sự trở thành “chốt chặn” hữu hiệu của đội bóng tại các trận đấu. Nhật là mẫu cầu thủ chịu khó học hỏi để trau dồi chuyên môn, tác phong đạo đức tốt, luôn sát cánh cùng với bóng đá tỉnh nhà qua những thăng trầm. Hiện tại Nhật là một trong những trụ cột không thể thiếu trong đội hình thi đấu chính thức của đội tuyển bóng đá Dak Lak ở giải đấu hạng Nhất QG cũng như các giải bóng đá trong khu vực”.
Nguyễn Ngọc Thành - Tay đấm đáng gờm
Tại Đại hội Thể dục Thể thao (ĐH TDTT) toàn quốc lần thứ VII năm 2014, VĐV Nguyễn Ngọc Thành đã thi đấu xuất sắc mang về một chiếc HCV cho đoàn thể thao Dak Lak nội dung đối kháng (Kumite) hạng cân 67 kg nam môn Karatedo. Trước khi giành quyền vào chơi ở trận chung kết, chàng võ sĩ quê gốc ở Thái Nguyên đã phải vượt qua các “cửa ải” khốc liệt khác. Đầu tiên là trận vòng loại khi anh giáp mặt với VĐV rất mạnh của Đoàn Công an Nhân dân Nguyễn Huy Thành. Với lối chơi điềm tĩnh và sự lì đòn trong các pha tấn công, Ngọc Thành dễ dàng đánh bại Huy Thành với tỷ số cách biệt 8-0 để giành quyền vào tứ kết. Các trận kế tiếp, Ngọc Thành cũng giành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ để giành ngôi vị quán quân. HLV đội tuyển Karatedo Dak Lak Lê Tấn Lớp cho biết: “Ngọc Thành là VĐV có phong độ ổn định, tốc độ ra đòn nhanh và tiếp thu kỹ thuật tốt. Nếu được tạo điều kiện tiếp thu thêm em sẽ trở thành tay đấm đáng gờm với mọi đối thủ. Bởi thời gian qua Ngọc Thành đã nghỉ thi đấu thể thao đỉnh cao, nhưng khi quay trở lại võ đài vẫn chứng tỏ được tài năng của mình”.
Võ sĩ Nguyễn Ngọc Thành trong một lần tham dự SEA Games (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Là con trai cả trong gia đình không ai theo nghiệp võ nên mọi thứ với Thành đều phải tự học. Đi lên từ phong trào Karatedo trẻ Thái Nguyên, từng trải qua nhiều năm luyện tập ở nhiều lò võ, mồ hôi, nước mắt cũng từng rơi trên nhiều sàn tập, Ngọc Thành rất hiểu sự khắc nghiệt của thể thao đỉnh cao. Trước đây, Ngọc Thành là VĐV thuộc thế hệ vàng của Karatedo Việt Nam với bảng thành tích đáng nể: HCV SEA Games 24, 25; HCĐ ĐH võ thuật châu Á 2009. Sau những thành công đó, vì gánh nặng mưu sinh, Ngọc Thành đành giải nghệ dù đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Thành trở về với đời thường, làm một công nhân dầu khí tại TP. Vũng Tàu, không có gì trong tay ngoài những tấm huy chương mà nói như Thành là “nhiều không đếm xuể”. Đầu năm 2014, đội tuyển Karatedo Dak Lak phát hiện ra “tay đấm” trẻ vẫn còn tiềm năng và mời về thi đấu. Sau khi đầu quân cho Dak Lak, Ngọc Thành cùng với đồng đội kiên trì tập luyện và tham dự các giải khu vực để tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Đến ĐH TDTT toàn quốc anh đã đem niềm vui về cho thể thao Dak Lak.
Phạm Bá Hợi - “Con sóc” trên võ đài
“Dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng đôi chân thoăn thoắt, với những cú ra đòn nhanh như sóc khiến đối thủ luôn bị bất ngờ”, đó là lời nhận xét của Huấn luyện viên đội tuyển Võ thuật cổ truyền tỉnh Trần Minh Chính về cậu học trò cưng Phạm Bá Hợi - VĐV duy nhất của đội tuyển võ thuật cổ truyền mang HCV về cho thể thao Dak Lak tại ĐH TDTT toàn quốc vừa qua.
Phạm Bá Hợi (SN 1995) sinh ra và lớn lên tại thôn Nam Thái, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk. Môn Võ thuật cổ truyền dân tộc đến với Hợi cũng rất tình cờ. Gần 10 năm về trước, một lần đi ngang qua lớp dạy võ tại Trung tâm Văn hóa huyện, nhìn thấy các môn sinh thể hiện những bài quyền mềm mại, công phu đẹp mắt, Hợi như bị hớp hồn và về xin bố mẹ được nhập môn. Ban đầu, bố mẹ không đồng tình nhưng dần dần cũng ủng hộ. Từ đó, càng tập luyện Hợi càng đam mê môn võ giàu truyền thống dân tộc. Năm 2010, em được Trường Năng khiếu TDTT tỉnh gọi nhập học. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, khả năng của Hợi ngày càng được trau dồi. Chỉ sau 6 tháng luyện tập tại trường, Phạm Bá Hợi được “thượng đài” tại giải Cup các Câu lạc bộ Võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 2010. Ngay lần đầu tiên tham gia giải, với phong độ thi đấu xuất sắc, Phạm Bá Hợi đã bất ngờ giành được HCĐ nội dung đối kháng hạng cân 48kg nam. Không lâu sau đó, em chuyển sang Trung tâm Huấn luyện thể thao luyện tập trong màu áo của đội tuyển Võ thuật cổ truyền tỉnh. Với môi trường tập luyện tốt, Hợi nhanh chóng khẳng định tài năng và trở thành VĐV chủ lực của thể thao Dak Lak từ năm 2012 đến nay. Điều đáng nói là Phạm Bá Hợi có thể thi đấu rất nhiều môn võ khác nhau và đều đạt thành tích ấn tượng ở các giải vô địch toàn quốc. Ngoài Võ thuật cổ truyền, Hợi đã từng đoạt HCV môn Kick - Boxing và được phong Kiện tướng Quốc gia năm 2012. Theo Phạm Bá Hợi, nếu đã nắm vững các đòn thế của Võ thuật cổ truyền thì khi chuyển sang thi đấu các môn võ khác là chuyện không khó. Vấn đề là VĐV phải thể hiện sự nhạy bén để thi đấu đạt thành tích cao.
Võ sĩ Phạm Bá Hợi. |
Khi hỏi về những kỷ niệm trong quá trình tham gia thi đấu, Hợi kể đó là trận tranh vé vào chung kết với VĐV Lương Hoài Nam (Bình Phước) ở hạng cân 51kg nam tại giải Let’s Việt tranh đai vô địch Võ thuật cổ truyền năm 2014 (đây là một giải đấu được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, quy tụ những võ sĩ chất lượng hàng đầu cả nước). Ở trận đấu này, hai đối thủ có thể hình và trình độ võ học tương đương nên đều triển khai lối chơi đôi công mạnh mẽ. Lương Hoài Nam di chuyển nhanh nhẹn, tự tin triển khai các đòn đá. Trong khi đó, Phạm Bá Hợi luôn tung ra các cú đấm nặng tay. Hai võ sĩ so kè nhau trong từng miếng đánh. Bất ngờ, Phạm Bá Hợi xông lên tung đòn, quật ngã đối thủ và liên tiếp tung những cú đá hạ knock-out võ sĩ Bình Phước. Trên đà chiến thắng, ở trận đấu chung kết Hợi dễ dàng đánh bại võ sĩ Nguyễn Phú Quý của An Giang với tỷ số 4-1 và giành đai vô địch. Hiện, Phạm Bá Hợi đang là sinh viên năm 2 ngành Giáo dục thể chất (Trường Đại học Tây Nguyên). Ngoài thời gian học tập, em tích cực luyện tập để chuẩn bị cho các giải đấu trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Huấn luyện viên đội tuyển Võ thuật cổ truyền tỉnh Trần Minh Chính nhận xét: “Phạm Bá Hợi là VĐV có tố chất, có tinh thần tiếp thu, ham học hỏi, ý chí thi đấu kiên định. Tôi tin rằng, với khả năng của mình, em sẽ ngày càng tiến xa hơn nữa trên con đường chinh phục đỉnh cao vinh quang”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc