Multimedia Đọc Báo in

Ea Riêng vui hội đua thuyền

14:30, 03/04/2015
Đã thành thông lệ, cứ mùng 6 tháng Hai (âm lịch) hằng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân làng Thanh Liệt (Hưng Nguyên – Nghệ An) đang sinh sống trên mảnh đất M’Drak lại diễn ra tại hồ đập thôn 12, xã Ea Riêng, thu hút đông đảo người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến xem và cổ vũ. Đây không chỉ là giải thi đấu thể thao giữa các thôn, làng mà còn là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.

Buổi sáng, bầu trời trong xanh, khi các rẫy cà phê bung hoa trắng xóa tỏa hương ngào ngạt, cũng là mùa lễ hội của người dân Ea Riêng và các xã lân cận. Ai cũng hối hả dành thời gian cho mùa trẩy hội đua thuyền, cùng tưởng nhớ về quê hương qua những điệu hò đối đáp sâu nặng nghĩa tình của làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Niềm vui chiến thắng của đội thắng cuộc
Niềm vui chiến thắng của đội thắng cuộc

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ văn hóa xã Ea Riêng cho biết, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Ea Riêng xuất phát từ hội đua thuyền truyền thống tại quê nhà. Hội đua thuyền thường được tổ chức trong ba ngày (6 – 8 tháng 2 âm lịch), trong đó, ngày thứ nhất là ngày tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa tại đền Thanh Liệt, thôn 12 (đền do người dân tự đóng góp, xây dựng năm 2009). Mâm cỗ thường là xôi, gà của các dòng họ lớn trong làng chuẩn bị. Sau khi thực hiện các nghi lễ truyền thống, các bô lão, vận động viên và du khách cùng ra hồ đập thôn 12 để tham gia vui hội đua thuyền. Hội đua năm nay có 30 đội tham dự, đến từ các xã Ea Riêng, Ea H’mlay, Ea M’đoan, với các nội dung: đồng đội nam, đồng đội nữ, đồng đội nam nữ. Mỗi đội đua có 18 vận động viên, trong đó, đội trưởng là người cầm cờ đứng trước mũi thuyền và có người ngồi sau đuôi thuyền để giữ thăng bằng. Mỗi lượt đua có hai đội, thi theo vòng loại trực tiếp để chọn ra 15 đội đoạt giải. Ông Nguyễn Văn Hùng, vận động viên đội đua thuyền thôn 2, xã Ea Riêng cho hay, để thuyền đi đúng hướng trong chặng đua 400m, các vận động viên phải phối hợp ăn ý với nhau dựa theo các động tác phất cờ của đội trưởng. Chỉ cần một tay chèo “lệch pha” là thuyền sẽ chậm hơn đội bạn hoặc đi chệch hướng. Do vậy, vận động viên thường là những người quen với sông nước, mái chèo, phải tập luyện trước ngày thi đấu 2 tuần lễ. Cụ Trần Thị Hợi, thôn 1, xã Ea Riêng hồ hởi, năm nay cụ tròn 80 tuổi, hơn 30 năm sinh sống trên quê hương mới M’Drak, nỗi nhớ cố hương luôn thường trực. Do vậy, hằng năm cứ vào ngày hội đua thuyền, cụ lại vận động con cháu hăng say tập luyện, cùng ra hội đua để cổ vũ cho các đội thi.

Ông Phạm Đình Nhu, Chủ tịch UBND xã Ea Riêng bộc bạch, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Ea Riêng đã gắn bó máu thịt với người dân vùng sông nước Nghệ An từ bao đời, khi rời xa quê hương đến lập nghiệp trên vùng đất mới họ mang theo vào đây, để bây giờ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về, là động lực giúp bà con vượt qua khó khăn trong cuộc sống, yên tâm sản xuất và làm giàu trên quê hương mới. Phần thưởng của đội thắng cuộc tuy không lớn, kinh phí do bà con nông dân tự nguyện đóng góp, nhưng lễ hội được duy trì 6 năm nay và ngày càng được tổ chức trang trọng hơn, bởi đó cũng là ý nguyện của người dân, là nét văn hóa truyền thống độc đáo mà bà con muốn gìn giữ.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.