Thể thao thành tích cao: Cần "cú hích" cho tầm cao mới
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) các đội tuyển tại Trung tâm Huấn luyện thể thao (HLTT) tỉnh vẫn luyện tập, thi đấu đạt kết quả tốt, từng bước khẳng định vị thế của thể thao Đắk Lắk trên đấu trường quốc gia, quốc tế.
Trung tâm HLTT tỉnh hiện đang tập trung huấn luyện 12 môn thể thao thành tích cao, trong đó tập trung tại chỗ 7 môn (Bóng đá, Bóng chuyền, Cử tạ, Boxing, Wushu, Kick-Boxing, Võ thuật cổ truyền) và gửi tập tại các trung tâm huấn luyện Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội 5 môn (Điền Kinh, Karatedo, Rowing, Bắn cung, Bắn súng). Trung tâm hiện có 27 HLV và 101 VĐV, trong đó 35 VĐV đội tuyển, 66 VĐV trẻ. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tập luyện cũng như thi đấu. Đơn cử như các môn võ thuật luôn được xem là môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhưng khu luyện tập thiếu thốn từ sàn tập luyện đạt chuẩn đến dụng cụ, trang thiết bị. Hay như môn Bắn cung (một môn nằm trong hệ thống thi đấu quốc tế Olympic) dù được thành lập hơn 3 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có điểm tập, phải dùng chỗ để xe để các cung thủ... tập bắn! Ông Phạm Trung, Phó Giám đốc Trung tâm HLTT tỉnh phân trần: “Do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc trang bị dụng cụ phục vụ nhu cầu tập luyện của VĐV chưa đáp ứng được yêu cầu; việc cho các VĐV tham gia các khóa tập huấn hoặc thi đấu cọ xát tại các giải đấu nhằm giúp họ có thêm kinh nghiệm cũng chưa được Trung tâm tiến hành thường xuyên. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển tối đa tài năng của VĐV, nhất là việc chuẩn bị lực lượng tham gia các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và khu vực sắp tới”.
Các cung thủ đội tuyển Bắn cung trong một buổi tập. |
Ngoài khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ luyện tập, Trung tâm HLTT tỉnh còn gặp một số khó khăn khác như: VĐV ở một số môn đã qua thời kỳ đỉnh cao, trong khi đó lớp VĐV kế cận ít hoặc hầu như không có dẫn đến thiếu hụt về lực lượng; đội ngũ HLV còn mỏng, chất lượng chuyên môn chưa cao, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cho VĐV vẫn còn thấp so với yêu cầu. Theo một số cán bộ làm công tác huấn luyện tại Trung tâm, để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng được một lớp VĐV xuất sắc tham gia thi đấu và giành huy chương tại các giải quốc gia không phải ngày một ngày hai. Vì thế, đối với sự nghiệp phát triển thể thao thành tích cao thì vấn đề xây dựng chính sách thu hút đãi ngộ và giữ tài năng thể thao quan trọng không kém việc tổ chức đào tạo, huấn luyện. Do đó, rất cần một chế độ ưu tiên, trọng dụng dành riêng cho những VĐV, HLV tài năng để họ yên tâm cống hiến lâu dài, đồng thời còn là sự bảo đảm cho quá trình phát triển bền vững liên tục của thể thao thành tích cao tỉnh nhà. Ông Phạm Trung thông tin thêm: “Căn cứ vào định hướng đầu tư các môn hướng tới Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018, những năm tới Trung tâm sẽ đầu tư trọng điểm một số môn nằm trong hệ thống thi đấu SEA Game và Olympic như: Điền kinh, Cử tạ, Boxing, Kick-Boxing, Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền Rowing, Karatedo... Vì vậy, Trung tâm sẽ phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, các đơn vị kinh tế xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu tập luyện. Khi Khu liên hợp thể thao, Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh xây dựng xong chắc chắn sẽ khắc phục được những khó khăn hiện nay”.
Dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn song Trung tâm đã sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn ngân sách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm 2015, Trung tâm HLTT tỉnh đã cử các đoàn VĐV tham gia 31 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế. Kết quả, đạt 89 Huy chương các loại (24 HCV, 36 HCB, 29 HCĐ). Đặc biệt, tại SEA Game 28 ở Singapore, thể thao Đắk Lắk có 2 VĐV là Trương Đình Hoàng (môn Boxing) và Đàm Văn Hiếu (môn Rowing) tham gia mang về 3 Huy chương (2 HCV, 1 HCB) cho thể thao Việt Nam.
Thiết nghĩ, để thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vị thế thể thao Đắk Lắk ở các đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế, thời gian tới cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với HLV, VĐV; đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu, bảo đảm phù hợp với thực tế và tương xứng với vị thế của tỉnh nhà.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc