Nguyễn Thị Trinh - niềm tự hào của bóng chuyền Đắk Lắk
Trong làng bóng chuyền Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung, vận động viên Nguyễn Thị Trinh (đội tuyển bóng chuyền Đắk Lắk và đội tuyển bóng chuyền Việt Nam) có một lượng fan hâm mộ khá đông đảo bởi tài năng cùng ngoại hình duyên dáng, khả ái.
Nguyễn Thị Trinh (SN 1997) “bén duyên” với bộ môn bóng chuyền từ năm 2011, do Huấn luyện viên Võ Văn Hải phát hiện. Lúc bấy giờ Trinh đang học lớp 9 tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Ea H'leo), song đã sở hữu chiều cao ấn tượng so với bạn bè đồng trang lứa. Sau khi được gia đình đồng ý cho theo nghiệp thể thao, Trinh được tập trung, đào tạo chuyên môn, học tập văn hóa tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh. Dưới sự huấn luyện chuyên môn tận tâm của các thầy, sự chuyên tâm rèn luyện, những tố chất, năng khiếu của Nguyễn Thị Trinh nhanh chóng bộc lộ, cô trở thành một trong những gương mặt tài năng nhất của bóng chuyền Đắk Lắk.
Nguyễn Thị Trinh (giữa) tham gia chắn bóng ở một trận đấu. |
Nhận thấy tiềm năng của Nguyễn Thị Trinh, năm 2014, trong một chương trình hợp tác, đào tạo tài năng trẻ đặc biệt, Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh gửi cô đi đào tạo tại một trong những “lò” sản sinh nhiều tài năng hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam là VTV Bình Điền Long An. Việc được may mắn học tập, rèn luyện ở đội bóng tên tuổi trong làng bóng chuyền Việt Nam, trong một môi trường chuyên nghiệp đã giúp cô ngày càng hoàn thiện tốt các kỹ thuật, chiến thuật.
Với lợi thế sở hữu chiều cao 1,8 m, sức bật chắn 2,85 m và sức bật đà lên đến gần 3 m, cùng sự di chuyển linh hoạt, phản xạ nhanh nhạy, sức bền thể lực, Nguyễn Thị Trinh được các huấn luyện viên bố trí thi đấu ở vị trí phụ công; là một trong số ít gương mặt trẻ tài năng của VTV Bình Điền Long An được lên chơi ở đội 1 khi chỉ mới bước qua tuổi 17 và từng đoạt chức Vô địch quốc gia cùng đội bóng này. Với tài năng của mình, cô được gọi lên tuyển quốc gia Việt Nam để tham dự Giải VTV Cup năm 2016.
Ở giải đấu mà đội tuyển Việt Nam đoạt vị trí Á quân, Nguyễn Thị Trinh nằm trong đội hình dự bị, song việc được sát cánh cùng các đàn chị dày dạn kinh nghiệm như: Phạm Thị Kim Huệ, Lê Thanh Thúy, Bùi Vũ Thanh Tuyền thi đấu, cọ xát ở một giải quốc tế, có chất lượng chuyên môn cao đã giúp cô tích lũy những kinh nghiệm thi đấu quý giá.
Năm 2018, Nguyễn Thị Trinh trở lại quê nhà, đầu quân cho đội tuyển bóng chuyền Đắk Lắk và đã cùng đồng đội lách qua "khe cửa hẹp" để trụ hạng thành công. Còn nhớ ở mùa giải đó, đội tuyển bóng chuyền Đắk Lắk đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất sau sự ra đi của Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thu Hương cùng hàng loạt gương mặt trụ cột của đội bóng như: Đặng Thị Thoan, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Thị Như Quỳnh…
Sự trở về kịp thời của Nguyễn Thị Trinh đã khỏa lấp được khoảng trống đó, củng cố tinh thần đoàn kết, quyết tâm của toàn đội. Cô vừa cơ động triển khai các đợt tấn công chớp nhoáng vừa đóng vai chuyên gia phòng thủ, ngăn chặn thành công những đợt tấn công nhanh của đối phương, nhất là trong trận tranh “chung kết ngược”, giành tấm vé duy nhất trụ hạng sau chiến thắng trước đội Hải Dương, qua đó giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk tiếp tục ở lại giải đấu đỉnh cao của bóng chuyền nước nhà.
Nguyễn Thị Trinh duyên dáng, xinh đẹp ở ngoài sân bóng. |
Qua 3 mùa giải liên tục, Nguyễn Thị Trinh là một mắt xích vững chắc trong đội hình Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Đắk Lắk với bộ sưu tập thành tích cá nhân khá ấn tượng, trong đó có danh hiệu phụ công xuất sắc nhất Giải bóng chuyền nữ U23 châu Á 2019, Huy chương Bạc SEA Games 30. Tài năng là vậy, song cô gái duyên dáng, thùy mị này rất thân thiện, khiêm tốn. ““Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, bóng chuyền là bộ môn của tập thể nên thành tích giữ vững sự hiện diện của đội tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia những năm qua là công sức của tất cả mọi người, của Ban huấn luyện”, Nguyễn Thị Trinh chia sẻ. Sự khiêm tốn, giản dị, tinh thần chuyên cần học hỏi, tập luyện cùng lợi thế sức trẻ sẽ là những yếu tố then chốt, giúp Nguyễn Thị Trinh đạt được nhiều thành công hơn nữa với bộ môn mà cô say mê.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc