"Nóng - lạnh" trong quan hệ giữa Pakistan với các nước lớn
Pakistan đang là tâm điểm chú ý của thế giới sau khi vụ rò rỉ thông tin quân sự mật trên trang Wikileaks tiết lộ về chính sách “hai mặt” của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pakistan Zardari đang nhận được sự tiếp đón rất khác nhau trong chuyến thăm châu Âu 5 ngày. “Nóng-lạnh” trong quan hệ giữa Pakistan với các nước lớn là điều rất nguy hiểm đối với tình hình Nam Á hiện nay - nơi đang tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn đan xen. Trong khi tỏ ra hài lòng trước tuyên bố của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy coi Pakistan là một “đối tác có trách nhiệm”, thì đồng thời Tổng thống Pakistan Zardari phải chuẩn bị tinh thần cho một sự đón tiếp lạnh lùng từ phía nước Anh - nơi Islamabad bị chỉ trích là “xuất khẩu khủng bố”. Không rõ là ẩn ý hay đã vô tình sắp xếp từ trước, chuyến đi của ông Zardari đúng vào thời điểm nhạy cảm hiện nay sẽ buộc phải tập trung vào thăm dò ý châu Âu, sau khi xảy ra vụ Wikileaks.
Thế giới dường như đang nín thở chờ một phản ứng rõ ràng của Pakistan. Song, người đứng đầu Nhà nước Pakistan lại tỏ ra khôn ngoan khi tiếp tục chính sách “hai mặt” để dò ý các nước lớn. Ông Zardari tuyên bố: “Cộng đồng quốc tế, trong đó có Pakistan, đang thua trong cuộc chiến chống Taliban, mà nguyên nhân là bởi chúng ta đã thua trong nỗ lực nhằm chiếm các trái tim và khối óc”. Chưa hiểu ngụ ý thực sự của Pakistan đằng sau tuyên bố này là gì, nhưng những cam kết mạnh mẽ từ phía Islamabad mà thế giới tìm kiếm chưa có dấu hiệu xuất hiện.
Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari. (Ảnh: Internet) |
Trước tuyên bố thẳng thừng của Thủ tướng Anh David Cameron rằng, ông không hối tiếc và sẽ không xin lỗi sau khi chỉ trích Pakistan là “xuất khẩu khủng bố”, thì Tổng thống Pakistan chỉ “ngọt nhạt” rằng: “Chúng ta phải đoàn kết chứ không phải là chia rẽ trong cuộc chiến chống khủng bố. Pakistan là một trong những nước phải trả giá đắt nhất về nhân mạng cho cuộc chiến này.” Và trong khi Mỹ và liên quân yêu cầu Pakistan hợp tác chặt chẽ hơn, thì ông Zardari tiếp tục đá trả trái bóng về phía các nước lớn với lập luận rằng: Để chiếm được trái tim và khối óc, cần hỗ trợ kinh tế cho người dân Afghanistan và làm họ yên lòng rằng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện tốt hơn.
Không khó để lý giải chính sách “hai mặt” của Pakistan, bởi đơn giản Islamabad gặt hái được nhiều lợi ích hơn khi vừa nhận viện trợ của Mỹ, giúp củng cố an ninh quốc phòng, vừa không gây thù hằn với Taliban hay Al Qeada vốn đã ăn sâu bám rễ trong xã hội quốc gia này. Nằm trong khu vực Nam Á có vị trí địa chiến lược quan trọng, là tâm điểm tranh giành quyền lực giữa các nước lớn, lẽ dĩ nhiên, Pakistan cũng phải lựa chọn cho mình một chính sách phù hợp để cân bằng.
Cũng không thể trách cứ quan điểm và cách đối đãi không nhất quán của các nước lớn với Islamabad. Bởi rốt cuộc, nước nào dù lớn, dù nhỏ đều phải bảo vệ lợi ích quốc gia của họ trước hết. Song thực tế nguy hiểm ở chỗ, nếu chơi kiểu “mèo vờn chuột” trong quan hệ với Pakistan, các nước lớn sẽ “góp gió thành bão” vào những mâu thuẫn vốn đã “đủ” phức tạp ở Nam Á. Đó là mâu thuẫn giữa Pakistan với Afghanistan, tranh chấp truyền kiếp Pakistan - Ấn Độ hay xung đột giữa liên quân với bọn khủng bố. Cuộc chiến trên báo chí Ấn Độ và Pakistan những ngày qua sau vụ rò rỉ thông tin quân sự mật trên trang Wikileaks là dấu hiệu “không thể coi thường” về nguy cơ xảy ra tranh cãi nảy lửa trong những ngày tới. Báo chí Ấn Độ tỏ ra bất bình khi nước Mỹ vẫn bênh vực chính sách mà họ gọi là “lá mặt, lá trái” của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Bản thân nước Mỹ dường như cũng đang “tự vướng bẫy” chính mình khi đã lỡ “bắt cá nhiều tay” ở Nam Á. Mới đây nhất, Washington đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi Pakistan ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Trung Quốc. Bởi chính nước Mỹ cũng đã vượt rào các khuôn khổ luật pháp quốc tế để ký thoả thuận hạt nhân với Ấn Độ - nước láng giềng cạnh tranh trực tiếp về sức mạnh hạt nhân với Pakistan.
Câu chuyện Wikileaks, ban đầu tưởng như chỉ là một vấn đề về rò rỉ thông tin mạng trong hệ thống an ninh của Mỹ, hóa ra lại làm sáng tỏ nhiều điều hơn thế. Để tháo gỡ mớ bòng bong quan hệ hiện nay, nước Mỹ cần chứng tỏ vai trò và trách nhiệm của họ quyết tâm đi tới cùng sự thật hơn là chỉ “bịt miệng” trang web và các tờ báo đã công khai bức tranh ảm đạm tại Afghanistan.
Ý kiến bạn đọc