Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng Syria, Libya chưa thể chấm dứt

11:39, 19/08/2011

Diễn biến bất ổn mới vẫn liên tục xảy ra tại Syria, Libya khiến những cố gắng ngoại giao của cộng đồng quốc tế chưa có lối thoát. Thế giới lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo do dòng người tị nạn chạy khỏi hai nước này ngày càng gia tăng.

Chính phủ Syria đang phải chịu sức ép ngày càng tăng của các nước phương Tây đòi chấm dứt các hành động bạo lực đối với người biểu tình, tiến hành cải cách và đối thoại rộng rãi với lực lượng chống chính phủ. Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận với Syria, cũng cảnh báo quan hệ giữa 2 nước sẽ bị ảnh hưởng nếu tình hình ở Syria không được cải thiện. Trong khi đó, tại Libya, giao tranh ác liệt vẫn ở trong thế giằng co giữa quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và lực lượng đối lập.

Tại Syria, giao tranh giữa quân đội và các lực lượng biểu tình chống chính phủ ở thành phố Latakia đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Các cuộc đụng độ tại đây là bất ổn mới nhất về tình hình Syria, bùng phát từ tháng 3 vừa qua.

Một số nhân chứng cáo buộc chính quyền Syria đã sử dụng tàu chiến, súng máy và chất nổ trong ngày 16-8 nhằm vào khu vực dân cư al-Ramel và al-Shaab. Tuy nhiên, Chính phủ Syria đã phủ nhận thông tin này, nói rằng đây hoàn toàn là điều bịa đặt. Nguồn tin của Chính phủ Syria cũng nói rằng, tàu chiến của lực lượng chính phủ đến Latakia để thực thi nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và ngăn chặn buôn lậu vũ khí bằng đường biển.

Trước diễn biến căng thẳng tại Syria, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về tình hình bất ổn ở Syria trong tuần tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu lên tiếng bác bỏ khả năng can thiệp của nước ngoài vào tình hình Syria, song nhấn mạnh, các cuộc tấn công nhằm vào dân thường là không thể chấp nhận được.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép đối với chính quyền Syria, yêu cầu chấm dứt các hành động bạo lực. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu phát biểu: “Chúng tôi không mong muốn có sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình Syria, nhưng cũng không chấp nhận bất kỳ hành động nào chống lại dân thường, nhất là trong tháng Ramadan. Chúng tôi kêu gọi các bên tại Syria chấm dứt mọi hành động bạo lực và tìm kiếm các biện pháp hòa giải”.  

Trong khi đó, tại Libya, các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục nổ ra, khi lực lượng đối lập tổ chức các đợt tấn công nhằm vào các vị trí quan trọng, do quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi kiểm soát. Quân Chính phủ Libya cũng đã sử dụng tên lửa Scud trong cuộc chiến với lực lượng đối lập.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Libya Moussa Ibrahim, quân đội nước này đã bước đầu giành thắng lợi tại thành phố Misrata. Ông Ibrahim cũng bác bỏ tuyên bố trước đó của lực lượng đối lập nói rằng đã chiếm giữ phần lớn thành phố Zawiyah và Garyan, ở phía Tây và Nam Tripoli. Ông Ibrahim nhấn mạnh, quân đội Libya vẫn đang nắm quyền kiểm soát các khu vực xung quanh Tripoli. 

Trái với tuyên bố của Chính phủ Libya, phe đối lập lại đưa ra khẳng định rằng cuộc chiến chống chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi đã bước vào “giai đoạn quyết định”. Trong tuyên bố mới nhất, Đại sứ của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) tại Pháp, ông Mansur Saif Al-Nasr nhấn mạnh, lực lượng đối lập sẽ chiếm phần lớn khu vực miền Nam Libya và giành thắng lợi cuối cùng vào thời điểm kết thúc tháng lễ Ramađan của người Hồi giáo, tức là vào ngày 31-8 tới.

Những diễn biến bất ổn mới vẫn liên tục xảy ra tại Syria, Libya khiến cho những cố gắng ngoại giao của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua chưa có lối thoát. Nhiều thường dân và binh sĩ vẫn đang thiệt mạng. Trong khi, dòng người chạy nạn khỏi 2 nước này cũng ngày càng gia tăng và có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác ở những quốc gia mà người tị nạn chạy tới.

Theo VOVNews

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.