Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng leo thang trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

06:23, 29/06/2012

Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp khẩn vào ngày 26-6 để tham vấn về một đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vụ việc Syria bắn rơi một máy bay trinh sát F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22-6. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quân đội Syria lại bắn thêm một chiếc máy bay khác của nước này khi đang tìm kiếm chiếc máy bay trinh sát F-4 bị bắn hạ. Vụ việc đã đẩy quan hệ giữa 2 nước láng giềng thêm xấu đi khiến cộng đồng quốc tế kêu gọi 2 bên tự kiềm chế để tránh cuộc chiến quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ đòi trả đũa

Trước khi diễn ra cuộc họp của 28 đại sứ các nước thành viên NATO ở Brussels (Bỉ), Phó Thủ tướng Bulent Arinc nói rằng ông sẽ hối thúc NATO xem xét vụ việc này theo điều 5 trong hiệp ước của liên minh. Điều này quy định hành động tấn công nhằm vào một nước thành viên của NATO được coi là hành động tấn công nhằm vào tất cả thành viên của liên minh quân sự này. Ông Arinc tuyên bố rằng Ankara sẽ tự vệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế trước việc mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “hành động thù địch ở mức độ cao nhất” của Syria. Ông Arinc cũng cho biết thêm chiếc F-4 bị một quả tên lửa tầm nhiệt tấn công trên không phận quốc tế. Trong khi đó, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad al-Makdissi khẳng định chiếc máy bay F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ  bị lực lượng an ninh Damascus bắn rơi đã “xâm phạm chủ quyền của Syria”.

                          Máy bay quân sự F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay quân sự F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà phân tích Syria Hamdi Abdullah cho rằng máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nhiệm vụ gián điệp khi có thông tin từ phe đối lập chống Chính phủ Syria rằng Tổng thống Bashar al-Assad đang nghỉ cuối tuần ở dinh tổng thống trong khu vực. Đồng thời, chiếc máy bay này còn có nhiệm vụ gián điệp hệ thống radar của Syria ở thị trấn Latakia của Syria ở biển Địa Trung Hải.

Theo Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Arinc, mọi giải pháp chống Syria đang được xem xét, bao gồm cả trả đũa quân sự, Damascus sẽ không thể thoát khỏi việc bị trừng phạt, song Ankara không có ý định phát động chiến tranh. Một trong những biện pháp trừng phạt mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp dụng là ngừng xuất khẩu điện cho Syria. Hiện khoảng 10% nhu cầu điện năng ở Syria phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anatolia cho biết hàng chục thành viên của quân đội Syria, trong đó có 3 đại tá và gia đình họ đã đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho quan hệ hai bên càng thêm căng thẳng.

Liệu có xảy ra khả năng can thiệp quân sự?

Ngày 26-6, giao tranh giữa quân đội và lực lượng nổi dậy chống Chính phủ Syria vẫn diễn ra ác liệt gần thủ đô Damascus. Đây được đánh giá là một trong những cuộc giao tranh dữ dội nhất vì nó diễn ra chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng 8km. Ngày 25-6 đã có ít nhất 95 người thiệt mạng vì giao tranh, trong đó phần lớn là dân thường.

Trong khi đó, nguồn tin từ Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết điều tra viên về nhân quyền hàng đầu của LHQ, ông Paulo Pinheiro, đã tới Syria và đàm phán với giới chức cấp cao Damascus để mở đường cho việc LHQ điều tra nạn bạo lực lan rộng tại nước này. Đây là lần đầu tiên ông Pinheiro được phép tới Syria kể từ khi đội điều tra của ông được Hội đồng Nhân quyền của LHQ thành lập vào tháng 9-2011.

Ngày 26-6, Iran đã đề xuất dùng các mối quan hệ tốt đẹp với cả Damascus và Ankara để giúp giải quyết căng thẳng giữa hai nước liên quan tới vụ việc nói trên. Phía Iran cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm, đồng thời bày tỏ hy vọng các thành viên chủ chốt trong khu vực có thể kiềm chế được vấn đề và ngăn chặn các nước khác nhúng tay vào.

Trước đó, ngày 25-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Glushko đã nhấn mạnh NATO không nên lợi dụng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triệu tập một cuộc họp của liên minh quân sự này để làm leo thang tình hình căng thẳng tại Syria. Trước cuộc họp của NATO, Tổng thư ký NATO A.F.Rasmussen cho rằng sự can thiệp của quân đội nước ngoài vào lúc này sẽ không phải là con đường tốt cho Syria.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney thì khẳng định Mỹ sẽ phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để “buộc chế độ ông Assad chịu trách nhiệm” về vụ bắn rơi máy bay. Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton cũng khẳng định lập trường này.

Nguồn SGGP


Ý kiến bạn đọc