Mỹ, Iran không đạt được thỏa thuận về phối hợp quân sự ở Iraq
14:36, 17/06/2014
Ngày 16-6, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Iraq với Iran bên lề đàm phán hạt nhân tại Vienna.
Quan chức này nói rằng "vấn đề này đã được thảo luận ngắn gọn với Iran bên lề cuộc đàm phán với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) tại Vienna, riêng rẽ với cuộc gặp ba bên" bao gồm cả EU. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Iran cho biết Mỹ và Iran đã thảo luận về tình hình ở Iraq nhưng "không đạt được kết quả cụ thể nào". Theo quan chức này, sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Iran đã không được thảo luận và cũng "không phải là một phương án”. Trả lời báo giới, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cũng nêu rõ: "Hoàn toàn không có dự định hay kế hoạch phối hợp hoạt động quân sự giữa Mỹ và Iran... không có kế hoạch tham vấn với Iran về các hoạt động quân sự ở Iraq".
Trong khi đó, các nguồn tin khu vực cho biết Iran đã cử một đội gồm 150 binh sĩ tinh nhuệ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tới hỗ trợ Chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống các tay súng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). Lực lượng đặc biệt do Tướng Hasan Gohari, một cựu binh trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq những năm 1980, chỉ huy và có nhiệm vụ cố vấn cho các lực lượng Iraq về các vấn đề chiến lược và huấn luyện.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 12-6 đã cảnh báo rằng Tehran sẽ chiến đấu chống "bạo lực và khủng bố" của những kẻ cực đoan Hồi giáo Sunni ở Iraq. Việc Iran can dự quân sự vào Iraq cho thấy sự tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Tehran ở các nước láng giềng Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh Iran vẫn tiếp tục viện trợ và hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại các lực lượng nổi dậy.
Các binh sĩ Iraq chiến đấu với các tay súng Hồi giáo dòng Sunni (Ảnh Reuters) |
Ngày 16-6, hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, 170 trong tổng số 275 binh lính Mỹ đã đặt chân đến Iraq. Ông Obama cũng cho biết số còn lại đang đồn trú tại các nước láng giềng và sẵn sàng sang Iraq trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ về an ninh cho công dân Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Obama vẫn cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ không tham chiến tại Iraq. Tuy nhiên ông Obama nhấn mạnh rằng những binh sĩ Mỹ được đưa đến Iraq sẽ được trang bị đầy đủ để đối phó với cuộc chiến đang diễn ra tại đây. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết các binh sĩ đang chờ được đưa sang Iraq có thể hỗ trợ về việc quản lý các sân bay, đảm bảo an ninh và hậu cần trong các trường hợp cần thiết. Các binh lính này sẽ làm việc với các nhóm bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Iraq hoặc có thể sẽ hoạt động riêng rẽ. Ngoài ra, 3 quan chức Mỹ khác cũng nói rằng Nhà Trắng cũng đang xem xét đưa các lính đặc nhiệm đến Iraq để thực thi các nhiệm vụ có giới hạn. Dù chưa được phê chuẩn nhưng nhiệm vụ của những lính đặc nhiệm này sẽ chủ yếu tập trung vào việc đào tạo và cố vấn cho các binh sĩ Iraq.
Tình hình tại Iraq vẫn đang diễn biến phức tạp. Sau khi dồn dập chiếm được các thị trấn phía bắc Baghdad, sự tiến công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông đang bị chặn lại ở vùng ngoại ô Baghdad và phiến quân cố bám trụ tại miền bắc. Trước diễn biến tại Iraq, ngày 16-6, Liên hiệp quốc (LHQ) đã sơ tán 58 nhân viên từ Baghdad (Iraq) sang Amman (Jordan) và có thể tiến hành các đợt sơ tán tiếp theo trong những ngày tới, sau khi phiến Hồi giáo người Sunni chiếm miền bắc Iraq. Trước đó ngày 15-6, Mỹ đã yêu cầu các nhân viên quân sự tăng cường an ninh cho phái đoàn ngoại giao của nước này tại Baghdad và cho biết một số nhân viên sẽ được sơ tán ra khỏi Đại sứ quán Iraq do tinh hình an ninh xấu đi.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc