Multimedia Đọc Báo in

Biện pháp trừng phạt Nga: Tác động tiêu cực đến EU, mở "cánh cửa cơ hội" cho các quốc gia châu Á và Mỹ Latinh

10:56, 22/08/2014
Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin kết luận của các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Hà Lan (ING) cho biết việc Nga từ chối không mua các loại trái cây và rau quả ở châu Âu sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro và ngoài ra còn làm tăng đội ngũ người thất nghiệp ở EU thêm 130.000 người.
 
Nhà kinh tế của ING Raul Liring nói: "Các tác động của lệnh cấm vận Nga về nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp không chỉ giới hạn ở mất mát các loại trái cây và rau quả dễ hỏng. Thiệt hại bổ sung có thể là khoảng 130.000 người mất công ăn việc làm". Theo nhà phân tích của ngân hàng, về tiền tệ, thiệt hại lớn nhất là Đức với khoảng 1,3 tỷ euro. Thất nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất ở Ba Lan, khoảng 23.000 việc làm. Nói chung, việc giảm thương mại với Nga ảnh hưởng nặng nhất tại các nước Baltic: Litva có thể mất 0,4% GDP, Estonia là 0,35% và Latvia là 0,2 %.
 
Hôm 7-8 vừa qua, Điện Kremlin đã thông báo lệnh cấm với hầu hết các nông sản và thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ và EU nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhận định lệnh cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước phương Tây trong vòng một năm sẽ có lợi cho thị trường nông nghiệp Nga vì điều này giúp làm tăng sức cạnh tranh. Thủ tướng Medvedev cho rằng lệnh cấm trên sẽ không tác động bất lợi tới người tiêu dùng cũng như thị trường thực phẩm của Nga, và "không dẫn tới sự thiếu hụt lớn hoặc làm giá cả tăng lên".   
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tin tức nói rằng Nga đang đàm phán với các nhà cung cấp nông sản thay thế, hầu hết từ các nước Mỹ Latinh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Trung Quốc.  Bộ trưởng Nông nghiệp Nikolai Fyodorov cho hay Nga đã xác lập danh sách các nước nhập khẩu thực phẩm thay thế cho sản phẩm của các nước châu Âu và Mỹ đang trong diện cấm nhập. Theo ông Fyodorov, nguồn cung hoa quả và rau củ tiềm tàng vào Nga sẽ là các nước Azerbaijan, Uzbekistan, Tajikistan và một phần của Kyrgyzstan. Iran, Maroc và Ai Cập cũng có tên trong danh sách này. Ông Fedorov lưu ý rằng các nước đó có nhu cầu mua ngũ cốc và dầu thực vật của Nga, đổi lại Nga quan tâm tới nguồn cung rau quả của họ.
 
Các nhà phân tích cũng nhận định “cuộc chiến thương mại” giữa Moskva và phương Tây sẽ cho phép các nhà sản xuất lương thực lớn ở Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Chile và Mexico tạo lập được chỗ đứng tại thị trường Nga. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du kéo dài 6 ngày tại Mỹ Latinh, trong đó có dừng chân ở Brazil, quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất khu vực. Trong chuyến thăm, Moskva đã ký kết thỏa thuận nhập khẩu với hơn hai chục công ty sản xuất thịt gia cầm và năm nhà sản xuất thịt lợn của Brazil. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Nga tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu đối với thực phẩm của phương Tây. Sau đó, cơ quan y tế Nga đã cấp giấy phép nhập khẩu mới cho 87 nhà sản xuất thịt và hai nhà sản xuất sữa của Brazil. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Brazil và Nga đạt tổng cộng 3 tỷ USD, trong đó ngành sản xuất thịt bò đóng góp 563 triệu USD.
 
Ngoài Brazil, các nước Mỹ Latinh khác như Chile, Argentina, Mexico cũng có cơ hội tương tự. Nga hiện chỉ là thị trường xuất khẩu lương thực lớn thứ sáu của Chile, song các doanh nghiệp nước này đã đàm phán với các quan chức Nga để gia tăng lượng xuất khẩu hoa quả và hải sản. Các quan chức Nga cũng liên hệ với các nông dân Argentina, để nhập khẩu cam quýt, sữa và thịt. Song, do năng lực sản xuất hạn chế, hai nước sẽ gặp trở ngại trong việc thỏa thuận để đưa ra mức giá hợp lý. Với Mexico, quốc gia chỉ có mức xuất khẩu sang Nga chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu, diễn biến mới này mở ra cơ hội để đa dạng hóa các đối tác và giảm sự phụ thuộc của ngành lương thực nước này vào Mỹ.
 
H.T ( tổng hợp)
 
 
 

Ý kiến bạn đọc