Multimedia Đọc Báo in

Cuba-Mỹ bình thường hóa quan hệ sau 18 tháng đối thoại bí mật

20:05, 21/12/2014

Mỹ và Cuba ngày 17-12 đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn 50 năm gián đoạn. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi sớm chấm dứt việc cấm vận kinh tế đối với Cuba. 

Theo Reuters, quyết định trên được đưa ra sau 18 tháng đối thoại bí mật liên tục giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Để thể hiện thiện chí của mình, hai bên cũng đã chấp thuận việc trao đổi tù bình và mở lại Đại sứ quán tại các hai nước cũng như nới lỏng các giới hạn về thương mại. 

Người dân Cuba lắng nghe tuyên bố của Chủ tịch Raul Castro từ truyền hình (Ảnh Reuters)
Người dân Cuba lắng nghe tuyên bố của Chủ tịch Raul Castro từ truyền hình (Ảnh Reuters)

Dù vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ Đảng Cộng hòa hiện sẽ kiểm soát cả Hai viện trong Quốc hội từ tháng 1-2015, Tổng thống Mỹ Obama vẫn nhấn mạnh ông muốn là người chấm dứt chính sách “cứng nhắc” và “lỗi thời” của Mỹ khi duy trì việc cô lập Cuba trong suốt 50 năm qua. Ông Obama cũng cho biết, việc thay đổi chính sách của chính quyền Mỹ cũng sẽ mở ra một cơ hội giao thương giữa hai nước và cho phép công dân Mỹ được sử dụng thẻ tín dụng tại một số khu vực của Cuba, gia tăng số lượng tiền mà công dân Mỹ được phép gửi sang Cuba cũng như cho phép Mỹ xuất các thiết bị viễn thông sang Cuba. Tổng thống Mỹ Obama cũng nhấn mạnh rằng việc bình thường hóa quan hệ với Cuba đạt được nhờ thiện chí của Havana trong việc thả ông Alan Gross, 65 tuổi người Mỹ bị Cuba giam giữ trong 5 năm qua. Ngoài ông Gross, Cuba còn thả một nhân viên tình báo làm việc cho Mỹ bị giam giữ ở nước này gần 20 năm qua để đổi lấy việc Mỹ thả 3 nhân viên tình báo Cuba bị bắt tại Mỹ. 

Dù việc du lịch từ Mỹ sang Cuba sẽ được nới lỏng một phần nhưng khách du lịch Mỹ cũng sẽ chưa thể ồ ạt sang quốc gia vùng Caribe này. Ngoài ra, việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ chấm dứt hoàn toàn việc cấm vận kinh tế với Cuba bởi điều này sẽ cần phải được sự chấp thuận của Quốc hội. Dù đã cam kết sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội nhưng bản thân Tổng thống Mỹ cũng hiểu rằng đây sẽ là “cuộc chiến đầy cam go”. 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc ông Obama sử dụng quyền Tổng thống của mình để nới lỏng lệnh cấm vận bất chấp sự phản đối của Quốc hội cũng đã là một quyết định “cực kỳ dũng cảm”. Trước đó, Mỹ và Cuba đã đối đầu với nhau sau cuộc cách mạng năm 1959 tại Cuba dẫn đến việc anh trai của Chủ tịch Cuba Rual Castro là ông Fidel Castro lên nắm quyền lúc đó. Hai năm sau, Mỹ đã quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Cuba khi Cuba trở thành đồng minh của Liên Xô. Mối quan hệ giữa hai bên sau đó trải qua nhiều thăng trầm liên quan đến các cuộc khủng hoảng về gián điệp và người tị nạn giữa hai bên. Sau sự sụp đổ của Liên Xô dẫn đến việc kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh, Washington đã liên tục có những hành động bày tỏ thiện chí với Chủ tịch Raul Castro, người thay anh trai mình lên nắm quyền từ năm 2008. Dù đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba nhưng ông Obama vẫn kêu gọi Cuba cần phải thúc đẩy việc cải cách kinh tế theo một hướng tiếp cận hoàn toàn mới. 

Người dân Cuba tuần hành tại thủ đô La Habana sau khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được công bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân Cuba tuần hành tại thủ đô La Habana sau khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được công bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một cuộc trưng cầu dân ý do Reuters/Ipos tiến hành với hơn 31.000 người Mỹ liên quan đến việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba, chỉ có 20% số người phản đối trong khi có tới 43% số người ủng hộ và 37% cho rằng họ vẫn chưa rõ liệu có nên làm điều này hay không. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ chưa nên bình thường hóa quan hệ với Cuba vào thời điểm này. Các chuyên gia nhận định, Cuba vẫn chưa có nhiều thay đổi như Mỹ kỳ vọng và con đường để hai nước có thể bình thường hóa quan hệ hoàn toàn vẫn còn quá nhiều chông gai, nhất là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế mà ông Obama đã “mạnh miệng” tuyên bố “sẽ làm bằng được” trước khi rời Nhà Trắng vào năm 2017. Dù số lượng các nghị sỹ Mỹ ủng hộ việc bình thương hóa quan hệ với Cuba đã gia tăng nhưng vẫn chủ yếu là các nghị sỹ Đảng Cộng hòa của ông Obama. Trong khi đó, những nghị sỹ Đảng Dân chủ mới là những người “có tiếng nói quyết định” trong việc này sau khi giành quyền kiểm soát cả hai Viện vào năm tới. Nhiều chuyên gia nhận định, dù vấp phải nhiều chỉ trích tại Mỹ, động thái này của ông Obama cho thấy Tổng thống Obama đang muốn thể hiện quyền lực cá nhân của mình trong bối cảnh ông sẽ không còn phải đối mặt với một cuộc bầu cử Tổng thống nào trong tương lai nữa. 

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon ngày 17-12 đã hoan nghênh bước đi “tích cực” khi Mỹ đang có kế hoạch khôi phục các mối quan hệ ngoại giao với Cuba hơn 50 năm sau khi các mối quan hệ này bị cắt đứt. Phát biểu trước báo giới, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Tin tức này rất tích cực. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro vì những bước đi quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ. Như nhiều lần được nhấn mạnh thông qua các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, đã đến lúc hai nước cần khôi phục lại các mối quan hệ. Tôi hoan nghênh những tiến triển đạt được trong ngày hôm nay. Tôi hy vọng những biện pháp mới này, tuyên bố mới này sẽ giúp mở rộng sự giao lưu giữa nhân dân 2 nước vốn đã bị chia tách suốt một thời gian dài. Liên hiệp quốc sẵn sàng hỗ trợ hai nước vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp”.

Ngày 20-12, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã yêu cầu Mỹ tôn trọng chế độ Cộng sản của quốc gia vùng Caribe này trong bối cảnh 2 nước hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Raul tuyên bố ông để mở cánh cửa thảo luận về một loạt vấn đề khi giới chức Mỹ thăm La Habana vào tháng 1-2015 nhưng các vấn đề này cần phải bao gồm cả Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Cuba sẽ không từ bỏ các nguyên tắc chủ nghĩa xã hội của họ. Phát biểu tại Quốc hội, ông Raul Castro nêu rõ: "Cũng giống như việc chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi Mỹ thay đổi chế độ chính trị của họ, chúng tôi sẽ yêu cầu sự tôn trọng với chế độ chính trị của chúng tôi".

Theo ông Raul Castro, Cuba đang đối mặt với "cuộc đấu tranh trường kỳ và gian nan" trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế kéo dài nhiều thập niên qua, một phần vì những đối tượng người Mỹ gốc Cuba sống xa xứ có ảnh hưởng sẽ tìm cách "phá hoại tiến trình" hướng tới bình thường hóa quan hệ. Chủ tịch Cuba hoan nghênh việc dỡ bỏ "rào cản" trong mối quan hệ với Mỹ và cho hay: "Nhân dân Cuba hoan nghênh quyết định đúng đắn này của Tổng thống Mỹ Barack Obama".

Ông Raul Castro cũng xác nhận sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) tại Panama vào tháng 4-2015, nhiều khả năng sẽ là nơi Chủ tịch Cuba có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Barack Obama kể từ khi 2 nước nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao hôm 17-12.

Hồng Thủy (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc