Multimedia Đọc Báo in

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản giành thắng lợi áp đảo tại Hạ viện

11:25, 16/12/2014

Hãng Kyodo/AFP/Reuters đưa tin, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện diễn ra ngày 14-12.

Liên minh Đảng Dân chủ tự do của ông Shinzo Abe đã giành được 326 ghế trong tổng số 475 ghế và giành ưu thế đa số tuyệt đối trong Hạ viện. Chiến thắng này sẽ mở đường cho ông Abe tái đắc cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử tháng 9-2015.

Thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện củng cố quyết tâm của ông Abe trong chính sách chấn hưng kinh tế và dân tộc chủ nghĩa. Khả năng lớn nhất và gần như chắc chắn là sự điều chỉnh trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thay những biện pháp khắt khe tái cấu trúc bằng kích cầu tiêu dùng. Chính phủ của ông Abe sẽ tìm cách để người dân có nhiều tiền hơn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước, qua đó lấy lại đà tăng trưởng cho kinh tế Nhật Bản.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp về chính sách giữa chính phủ và các bộ liên ngành ngày 5-12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập đến khả năng một gói kích cầu kinh tế trị giá 18.600 tỷ yen (khoảng 181,6 tỷ USD), vốn đã được Chính phủ “bật đèn xanh” từ giữa năm 2014. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh gói kích cầu này sẽ góp phần chấm dứt tình trạng giảm phát và khôi phục tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á này.

Trong gói kích cầu này, chính phủ sẽ dành khoảng 5.500 tỷ yen thúc đẩy công cuộc tái thiết tại Tohoku, khu vực bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa kép động đất-sóng thần hồi năm 2011 và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020. Trong khi đó, khoảng 1.400 tỷ yen sẽ được sử dụng vào việc tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản, bao gồm các khoản khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, khoảng 3.100 tỷ yen cũng sẽ được dành hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima mau chóng ổn định cuộc sống. Phần còn lại của gói kích cầu sẽ được dùng hỗ trợ người có thu nhập thấp, cho vay mua nhà, tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên và người già, đồng thời giúp chính quyền các địa phương phát triển các dự án công và trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ.

Chính phủ Nhật Bản sẽ phải huy động thêm ngân sách cho ngân sách tài khóa năm nay nhằm cung cấp vốn cho gói kích cầu mới. Ngoài ra, Nội các Nhật Bản cũng quyết định triển khai kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 1.000 tỷ yen nhằm khuyến khích các hãng chú trọng tới chính sách đầu tư và tăng lương cho người lao động.

Thủ tướng Abe (giữa) ăn mừng chiến thắng của Đảng LDP (Ảnh Reuters)
Thủ tướng Abe (giữa) ăn mừng chiến thắng của Đảng LDP (Ảnh Reuters)

Theo báo cáo của Capital Economics (Anh), chính sách kích cầu kinh tế mới của Nhật Bản từ khi manh nha đã hứng chịu va đập của 2 luồng dư luận mà những nhận định bi quan đang ở thế áp đảo. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kích thích chi tiêu bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ chẳng khác nào “liều thuốc độc” với món nợ ngân sách ngày càng phình to của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Marcell Thieliant của Capital Economics cho rằng: khả năng mở rộng cơ sở tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã được đề cập từ tháng 7-2014 và mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng  như vậy. Hậu quả ai cũng có thể nhìn thấy song đó vẫn là dự đoán. Kinh tế Nhật Bản đã từng phát đi những tín hiệu tích cực nhờ Abenomics và với thắng lợi của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), giới đầu tư và thị trường chứng khoán Nhật Bản đang có hy vọng trở lại.

Chiến thắng của Đảng LDP của Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản được cho là đồng nghĩa với thắng lợi của chính sách dân tộc chủ nghĩa. Ngay từ khi ông Abe trở lại chính trường Nhật năm 2012, giới phân tích đã nhìn nhận chính sách dân tộc là “con bài” lợi hại của ông Abe, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, dùng ý chí Nhật Bản để chấn hưng kinh tế. Ở góc nhìn khác, The Diplomat nhận định: chính sách can dự, “chuyển lửa ra ngoài” này là cơ hội để người dân bỏ qua những bất mãn về kinh tế. Câu hỏi về chính sách can dự của Nhật Bản liệu có được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo khi ông Abe là người được cho có khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 9-2015, mở ra cơ hội “giữ ghế” Thủ tướng tới 2018? Dư luận đang dõi theo những bước đi tiếp sau động thái diễn giải lại Hiến pháp của Thủ tướng Abe hồi tháng 7, mà theo đó lực lượng vũ trang nước này sẽ được quân sự hóa, chuyển từ chính sách tập trung phòng thủ sang chiến lược tấn công. Chiến thắng của ông Abe trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua được cho là tiếp thêm sức mạnh cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Tuy nhiên chưa có gì bảo đảm ông Abe có thể nắm quyền đến hết nhiệm kỳ mới khi nước Nhật còn phải đương đầu với những khó khăn hậu bầu cử. 

Theo chuyên gia kinh tế Masamichi Adachi của JPMorgan Chase & Co, chiến thắng vang dội này của ông Abe sẽ cung cấp cho ông nhiều quyền lực hơn trong việc soạn thảo các chính sách kinh tế. Theo chuyên gia này, ông Abe có thể tự hào khi cho rằng người dân Nhật Bản ủng hộ các chính sách kinh tế Abenomics của mình nhưng xét trên hiện trạng cuộc bầu cử thì cần phải suy nghĩ lại. Bởi lẽ, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh người dân Nhật có ít sự lựa chọn giữa các đảng. Theo Japan Times, tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt gần 50 % vì họ cho rằng tổ chức cuộc bầu cử sớm là không cần thiết.

Kết quả bầu cử cũng ẩn chứa những trở ngại nhất định cho chính sách quân sự của ông Abe, đặc biệt là với kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Okinawa. 4 nghị sĩ của đảng LDP tại tỉnh này đã thất bại trước ứng viên của đảng đối lập. Trong cuộc bầu cử tỉnh trưởng Okinawa hồi tháng 11, ứng viên của LDP cũng thất bại.

Financial Times nhận định, sau bầu cử, ông Abe sẽ phải dồn vốn chính trị để thực hiện các chính sách cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ mở cửa ngành nông nghiệp đến bảo hiểm y tế, Hiệp ước hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ và 10 nước khác. Chính sách đối ngoại của ông Abe sẽ phải đối diện với những thách thức lớn vào năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai. Đây là vấn đề lịch sử nhạy cảm, gây tranh cãi trong quan hệ Nhật-Trung-Hàn. Quan hệ giữa ba bên vào thời kỳ ông Abe nắm quyền vẫn chưa mấy êm đẹp. Kết quả bầu cử này khiến giới phân tích cho rằng nhiều khả năng ông Abe sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao cứng rắn.

Tuy nhiên, những cải cách sau bầu cử liệu có thực hiện được hay không vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào nội bộ phe cầm quyền. Một thách thức khác của chính phủ mới đến từ phe bảo thủ trong nội bộ đảng LDP. Việc các nghị sĩ bảo thủ tái cử sẽ không giúp được nhiều cho Thủ tướng Abe, mà ngược lại, họ còn sẽ khẳng định hơn nữa lập trường bảo thủ của mình trong hàng loạt vấn đề cải cách.

H.T (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc