Multimedia Đọc Báo in

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung ưu tiên cao vấn đề Biển Đông

08:06, 22/06/2015
Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung Quốc lần thứ 7 tại thủ đô Washington trong hai ngày 23 và 24-6 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề toàn cầu và khu vực, đồng thời cũng ưu tiên giải quyết những bất đồng giữa hai nước.
 
Thông báo của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương sẽ đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 7 tại thủ đô Washington. 
 
Cũng trong thời gian này, Ngoại trưởng John Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông sẽ đồng chủ trì cuộc Tham vấn về giao lưu nhân dân-nhân dân (CPE) lần thứ 6 giữa hai nước.  
 
(Nguồn: cctv-america.com)
(Nguồn: cctv-america.com)

Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung sẽ tập trung thảo luận về các thách thức và cơ hội về chiến lược và kinh tế mà hai nước đang phải đối mặt, trước mắt và lâu dài, cả trong quan hệ song phương, khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, cuộc tham vấn về giao lưu nhân dân-nhân dân sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ và giao lưu giữa nhân dân hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, các vấn đề liên quan tới thể thao, phụ nữ và y tế.

Ngoài hai cuộc đối thoại trên, ngày 22-6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đồng chủ trì cuộc Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) Mỹ-Trung lần thứ 5, trao đổi quan điểm các vấn đề an ninh có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai nước.
 
Vấn đề Biển Đông cũng được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18-6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russell cho biết ngoài các mối quan ngại chung như biến đổi khí hậu, các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 7 cũng ưu tiên thảo luận về các bất đồng giữa hai nước xung quanh ba vấn đề nóng gồm an ninh mạng, nhân quyền và tình hình khu vực Biển Đông. Ông Russel cho biết Washington quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc duy trì các hoạt động xây dựng ở Biển Đông, cho rằng viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái ngược với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc ngừng các dự án xây dựng, giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua kênh ngoại giao và trọng tài quốc tế.
 
Bên cạnh đó, an ninh mạng là một trong những vấn đề “nóng” được bàn thảo tại cuộc đối thoại lần này. Ngay trước thềm cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã gia tăng đang bị "tiếp thêm dầu" vì vụ Washington nghi tin tặc Bắc Kinh tấn công cơ quan tình báo nước này.
 
Mỹ -Trung vốn đang căng thẳng sau những hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông nay lại thêm sóng gió sau những thông tin cho rằng Trung Quốc đứng đằng sau vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào máy chủ của chính phủ liên bang Mỹ và đánh cắp thông tin cá nhân cũng như hồ sơ của 14 triệu lao động và nhà thầu. 
 
Các điều tra viên thuộc cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ theo dõi hoạt động chuyển dữ liệu tại các hệ thống mạng nước ngoài đối với những tệp tài liệu có thông tin của các cá nhân Mỹ, cũng như truy tìm các cuộc liên lạc giữa các tin tặc, rồi việc mua bán thông tin đánh cắp trên thị trường “chợ đen” đều không tìm thấy dấu vết vụ ăn cắp dữ liệu của Văn phòng quản lý nhân sự chính phủ Mỹ. Thực tế này cho thấy, thủ phạm các vụ tấn công mạng không phải là những hacker thông thường và động cơ của chúng không xuất phát từ tiền bạc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
 
Diễn biến xảy ra đúng lúc 2 nước đang nỗ lực xoa dịu tình hình để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương tháng 9 tới. Để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, các quan chức ngoại giao và tài chính hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại Washington tuần tới trong khuôn khổ Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung.
 
Trước đó, năm 2014, cuộc họp nhóm công tác về an ninh mạng Mỹ- Trung đã bị Trung Quốc làm gián đoạn sau khi Mỹ cáo buộc 5 quân nhân Trung Quốc tiến hành xâm nhập trái phép các máy tính của Mỹ nhằm thu thập những thông tin tình báo và bí mật quốc gia của Mỹ. 
 
Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung là sự kiện quan trọng trước chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 (ảnh: Reuters)
Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung là sự kiện quan trọng trước chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng đây là lĩnh vực mà hai bên cần hợp tác chặt chẽ với nhau khi bàn thảo tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung sắp tới. “Đây là lĩnh vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều sở hữu những bí mật rất quan trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với các đối tác Trung Quốc”, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn trong vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang khẳng định: “Trung Quốc sẽ có cuộc trao đổi sâu rộng về quan hệ Mỹ -Trung cũng như những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm”.

Các tờ báo Trung Quốc đã bày tỏ lạc quan về cuộc Đối thoại lần thứ 7 giữ Mỹ và Trung Quốc, diễn ra ngay trước thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9 này. “Sau nhiều tháng trời căng thẳng về vấn đề Biển Đông, quan hệ Mỹ -Trung dường như đang dần hạ nhiệt”, tờ China Daily nhận định. Tờ báo này dẫn lời Giáo sư Wang Yiwei tại Đại học Renmin nhận định: ”Mỹ hiểu rõ hậu quả của việc đối đầu Mỹ- Trung, chính vì thế sẽ không xảy ra xung đột trong cuộc họp lần này”. “Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải tiếp tục chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông để thể hiện sức mạnh của mình cũng như duy trì cam kết với các đồng minh ở châu Á”, ông Yiwei nói.
 
Thương mại là một trong những vấn đề còn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đề xuất thành lập Ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng như việc liệu có để đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm đồng tiền tham chiếu trong hệ thống của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Mỹ từng cáo buộc rằng Trung Quốc cố tình hạ thấp đồng nhân dân tệ, tuy nhiên IMF vào cuối tháng 5 đã lên tiếng cho rằng, đồng nhân dân tệ đã không còn thấp hơn mức thực tế nữa.
 
Những bất đồng này “khó có thể phủ bóng đen lên đối thoại Mỹ -Trung” ông Adam Posen, Chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định và cho rằng, các cuộc đối thoại sẽ diễn ra “một cách chuyên nghiệp”. Trong khi đó, ông David Dollar, một chuyên gia tại Viện Brookings, dự đoán những bất đồng về vấn đề an ninh sẽ không thể đẩy mối quan hệ kinh tế giữa hai nước “đi chệch đường”. “Cả hai nước đều có những lý do để thúc đẩy đàm phán kinh tế và thúc đẩy các vấn đề song phương. Căng thẳng về an ninh sẽ càng khiến việc đối thoại về kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Dollar khẳng định.
 
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn lo ngại về việc làm thế nào để Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ đẩy nhanh việc hoàn tất hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương dù Trung Quốc không tham gia Hiệp định này. “Trung Quốc bắt đầu tự hỏi, liệu Chính phủ Mỹ có được quyền thực thi những gì đem lại lợi ích cho chính nước Mỹ hay không?”, ông Posen nói.
 
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thông qua việc thiết lập các mục tiêu mới nhằm làm giảm lượng khí thải nhà kính. “Chúng tôi là hai nước thải nhiều khí nhà kính nhất thế giới và chúng tôi đang nỗ lực để đi đầu trong các sáng kiến cắt giảm lượng khi thải này”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Danny Russel nói.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc