Những kỷ lục hiếm lạ trong lĩnh vực báo chí và đa phương tiện
Dưới đây là một số kỷ lục mới lạ liên quan đến lĩnh vực báo chí, đa phương tiện thế giới diễn ra trong thời gian gần đây.
1. Kỷ lục Ghi-net Twitter về số người tìm đọc nhanh nhất trên Twitter
Bruce Jenner (65 tuổi), nam lực sĩ điền kinh từng đoạt Huy chương Vàng Thế vận hội, ngôi sao truyền hình nổi tiếng của Mỹ, sau chuyển giới mang tên Caitlyn Jenner vừa được Sách Kỷ lục Ghi-nét thế giới (GWR) tôn vinh là người có “tín đồ” nhanh nhất trên Twitter. Theo đó, chỉ trong 4 giờ, 3 phút đầu tháng 6 vừa qua, trên Twitter của Caitlyn Jenner đã có một triệu người tìm đọc. Đây là kỷ lục mới nhất được GWR công nhận, xô đổ kỷ lục trước đó do đương kim Tổng thống Barack Obama lập ngày 18-5-2015.
2. Lá thư tổng biên tập đáng đọc nhất
Đó là tâm thư của ông Jeff Bezos, Tổng biên tập Báo Washington Post đã gây rúng động thế giới truyền thông trong bối cảnh nhiều người tài ba của tòa soạn này phải ra đi và những người mới được tuyển về. Qua thư, Jeff Bezos muốn đề cập đến sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành báo chí, đa phương tiện hiện nay. Jeff Bezos cho rằng, muốn tồn tại thì mọi người phải đổi mới, phải sáng tạo, bởi lẽ khán giả đang có xu hướng sao nhãng báo giấy, tivi, thay vào đó suốt ngày ôm khư khư smartphone để lướt Facebook và mạng xã hội. Những “cái chết từ từ” của các tờ báo lớn đã được dự báo, vì vậy để tồn tại, không còn cách cách nào khác là đổi mới, làm báo theo một cách khác. Qua thư, Tổng biên tập Jeff Bezos đã đưa ra ý tưởng xây dựng tờ báo theo mô hình mới, trong đó có những người không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải giỏi cả ngoại ngữ lẫn tin học. Tòa soạn bao gồm các chuyên gia IT và những người viết phần mềm kết hợp với các biên tập viên, phóng viên cho ra đời các ấn phẩm mới hấp dẫn, kể cả dạng interactive graphics (đồ họa tương tác, tức hình kèm chữ) cho đến phân tích dữ liệu, kết hợp với các phóng viên khu vực, cộng tác viên ở mọi nơi trên thế giới hoặc hợp tác với các tờ báo khác để đưa ra các thông tin nóng nhất. Trong thư còn đề cập đến việc cải tiến các dịch vụ của Amazon thông qua dịch vụ trực tuyến Amazon Web Services mà Jeff Bezos hiện đang là người trực tiếp quản lý.
3. Nữ nhà báo dám chui vào sào huyệt IS
Đó là nữ nhà báo Pháp mang biệt danh “Anna Erelle” đã thâm nhập vào đội quân tóc dài của IS (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng) để tìm hiểu lý do vì sao IS lại quyến rũ được cả các phụ nữ trên thế giới đầu quân. Mới đây, sau khi thoát khỏi “tổ quỷ”, Erelle đã chia sẻ toàn bộ thông tin với giới truyền thông, cho biết ngày càng nhiều phụ nữ trẻ từ khắp châu Âu bỏ nhà đến Syria hoặc Iraq để gia nhập lực lượng IS. Đây là những “cô dâu thánh chiến” chẳng biết gì về tôn giáo nhưng lại cả tin theo kiểu “Các bạn suy nghĩ bằng khối óc, chúng tôi suy nghĩ bằng trái tim”. Cũng nhờ cuộc phiêu lưu nói trên mà nữ nhà báo Erelle biết được hiện có trên 550 phụ nữ châu Âu đang sống ở miền bắc Iraq và miền đông Syria, nơi tổ chức IS đang chiếm cứ, con số này vẫn chưa dừng lại bởi còn rất nhiều thiếu nữ đạo Hồi phương Tây chưa hiểu hết bản chất IS nên dễ bị các binh sĩ IS tán tỉnh thông qua mạng xã hội.
4. Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới
Theo BBC, cuốn Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi) ra đời vào thập niên 20 ở thế kỷ trước của trùm phát xít Đức Adolf Hitler dưới dạng nửa hồi ký, nửa tuyên truyền ý thức hệ của Đệ tam Đế chế được xem là cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Cuốn sách sẽ hết thời hạn bản quyền ở Đức vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa về mặt lý thuyết bất cứ ai cũng có thể xuất bản tác phẩm này ở Đức. Hitler bắt đầu viết Mein Kampf khi còn ngồi tù vì tội phản quốc sau cuộc nổi dậy ở Munich năm 1923 bị thất bại. Cuốn sách nặng mùi phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Một thập niên sau Hitler giành được quyền lực thì ấn phẩm trên đã trở thành tài liệu “gối đầu giường” của Đức Quốc xã; 12 triệu bản đã được in và được phát cho các cặp vợ chồng mới cưới, còn các bản mạ vàng được trưng bày trang trọng trong nhà của các quan chức.
Dư luận cho rằng đây là cương lĩnh chính trị của Đức Quốc xã. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc và quân đội Mỹ chiếm được nhà xuất bản Eher Verlag của Đảng Quốc xã, bản quyền Mein Kampf chuyển sang chính quyền bang Bavaria. Họ bảo đảm rằng cuốn sách chỉ được tái bản ở Đức trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng với việc bản quyền hết hạn vào tháng 12-2015 thì tại Đức đã nổi lên tranh luận gay gắt về việc làm thế nào để ngăn chặn tái bản cuốn sách này, nhất là trong bối cảnh an ninh chính trị đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Điều này đã được ông Ludwig Unger, phát ngôn của Bộ Giáo dục và Văn hóa bang Bavaria cảnh báo: “Hậu quả của cuốn sách này làm hàng triệu người thiệt mạng, hàng triệu người bị ngược đãi, nhiều nước chìm sâu trong chiến tranh. Điều quan trọng là mọi người phải luôn nhớ lấy điều này. Khi đọc sách, mọi người phải có những nhận định lịch sử và phản biện phù hợp.”
5. Tờ báo có giá bán đắt nhất nước Anh
Theo trang tin pressgazette.com của Anh thì tờ Observer (Người quan sát) của tập đoàn truyền thông Guardian News and Media là tờ báo có giá bán đắt nhất nước Anh từ cuối năm 2014 trở lại đây, sau khi tăng giá thêm 20 pence (xu), đạt mức giá 2,90 bảng Anh (gần 100.000 đồng). Đây là mức giá tăng giá gấp đôi so với cách đây 10 năm do số lượng phát hành giảm trên 50%. Sau Observer là tờ Sunday Times (Thời báo Mặt trời): 2,50 bảng; tờ Independent on Sunday (Độc lập số Chủ nhật): 2,20 bảng và Sunday Telegraph (Điện tín Chủ Nhật): 2,00 bảng. Riêng kỷ lục nhật báo đắt nhất thuộc về tờ Guardian (Người bảo vệ) với giá 1,60 bảng (khoảng 54.000 đồng). Tính đến tháng 7-2014, doanh số bán ra của Guardian đã giảm tới 5,2%, còn Observer giảm tới trên 8,6%.
6. Kỷ lục đáng nể của những bức ảnh báo chí
Tờ buzzfeed của Mỹ mới đây công bố 40 bức ảnh báo chí được xem là biểu tượng mạnh mẽ nhất trong vòng 100 năm qua, nói về sự mất mát, sức mạnh lòng trung thành và sự chiến thắng tinh thần của con người. Đây thực sự là những ấn phẩm rung động lòng người, giúp nhân loại có thêm sức mạnh và nghị lực để tiến lên.
Vợ chồng Angelina Jolie và Brad Pitt. |
Xếp thứ 6 trong 40 ấn phẩm này là bức ảnh của phóng viên Vanderlei Almeida, người Brazil, ghi lại hình ảnh một con chó trung thành có tên “Leao” nằm suốt hai ngày liền bên ngôi mộ chủ nhân, người qua đời trong các vụ lở đất kinh hoàng diễn ra gần Rio de Janiero vào ngày 15-1- 2011. Kỷ lục cho bức ảnh do chụp lén về những người nổi tiếng đắt nhất xưa và nay là bức ảnh về gia đình Brangelina (Angelina Jolie và Brad Pitt) ngay sau khi Angelina Jolie sinh đôi hai bé là Knox Leon và Vivienne Marcheline. Nghe nói, đây là ấn phẩm của một papazeri tài ba tên là Vince Bucci. Bức ảnh này đã được tạp chí People (Mỹ) và Hello của Anh cùng mua với giá 15 triệu USD.
K.N
(Theo Net/GWR/Forbe/BC/GC…2014/2015)
Ý kiến bạn đọc