Châu Âu lại bị chia rẽ vì kế hoạch đóng cửa tuyến đường Balkan
Hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và EU về cuộc khủng hoảng di cư đã khai mạc tại Brussels, Bỉ ngày 7-3. Đây là cuộc gặp lần thứ 2 giữa hai bên trong chưa đầy 3 tháng qua nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang đổ về châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp này nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp giúp châu Âu đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng di cư cũng như những kết luận cuối cùng về việc đóng cửa tuyến đường Balkan mà hơn 850.000 người di cư đã đi qua để tới Bắc Âu hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, Đức vẫn dè dặt trong quyết định này và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh điều quan trọng là EU cần tìm ra một giải pháp bền vững với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị muốn đạt được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu để đóng cửa hoàn toàn tuyến đường Balkan khi một số quốc gia châu Âu đã đơn phương đóng cửa biên giới để hạn chế dòng người di cư kéo tới, khiến hơn 30.000 người hiện đang bị mắc kẹt tại Hy Lạp và phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Trong khi đó, những tháng gần đây, Thủ tướng Đức đã đưa ra chính sách mở cửa đối với người tị nạn, nhấn mạnh tới sự cần thiết đóng cửa biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ và một giải pháp phối hợp chung của châu Âu.
Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, điều quan trọng hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận toàn bộ người tị nạn không phải dân Syria. Ông nhấn mạnh châu Âu mong rằng không có làn sóng người tị nạn Syria kéo vào từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng, từ tháng 11 năm ngoái, EU đã thực hiện kế hoạch cung cấp 3 tỷ Euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để tái định cư người tị nạn, giữ chân họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì để họ cố di chuyển đến châu Âu trong những hành trình nguy hiểm. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, việc tái định cư những người tị nạn về lâu dài là một vấn đề cấp bách và cũng rất khó khăn, bởi sự khác biệt về lối sống, văn hóa, ngôn ngữ giữa người tị nạn, trong đó phần lớn là người Syria với cộng đồng địa phương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi đầu tiên bằng cách cấp giấy phép lao động cho người tị nạn Syria từ tháng 2 vừa qua. Động thái này được người tị nạn Syria hoan nghênh và các chuyên gia đánh giá là một sự thay đổi lớn và tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Ông Metin Corabtir, Điều phối viên Trung tâm nghiên cứu tị nạn và Di trú của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ đã có 3 triệu người tị nạn Syria và không có cách nào để tái định cư họ. Và bây giờ thì vấn đề này đã chính thức được thừa nhận. Vì thế Chính phủ đã bắt đầu làm điều gì đó để giúp họ hội nhập. Việc tham gia thị trường lao động là điều quan trọng, bởi nó không những giải quyết được tình trạng cấp bách mà còn giải quyết được các vấn đề chủ chốt về lâu dài”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện kế hoạch ở 6 lĩnh vực, trong đó có cả chăm sóc sức khỏe, y tế, tôn giáo và nhà ở để thúc đẩy hội nhập người tị nạn Syria. Ngoài ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng khuyến khích giới chức địa phương tổ chức các khóa đào tạo ngôn ngữ và dạy nghề cho người tị nạn.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những kế hoạch hội nhập dành cho người tị nạn là một trong bước tiến trong việc ngăn chặn họ liều mình trên những hành trình nguy hiểm đến châu Âu.
Tuy nhiên, Hội nghị khẩn cấp trên đã diễn ra trong sự xích mích mới giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ khi EU lo ngại việc Ankara đàn áp báo chí chống lại Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan. Cuộc khủng hoảng di cư đã gây ra những chia rẽ ngay trong lòng châu Âu, đe dọa sự tồn tại của nó cũng như những thành quả mang tính biểu tượng nhất như việc tự do đi lại trong khu vực miễn thị thực Schengen.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra lộ trình khôi phục khối này bằng cách yêu cầu 8 quốc gia đang áp dụng việc kiểm soát biên giới phải chấm dứt động thái này từ nay tới cuối năm. Thế nhưng, để làm được điều này thì phải dừng được làn sóng người di cư đổ về châu Âu, tất cả người di cư vì lý do kinh tế phải được gửi trả lại nơi đến là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia này sau đó sẽ tiếp tục "hồi hương" những người này về quốc gia gốc theo một thỏa thuận tái tiếp nhận, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-6 tới.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường cuộc chiến chống bọn buôn người với sự hỗ trợ từ các tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên biển Aegean. Song EU cần phải giữ cam kết của 28 thành viên nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng như lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nêu rõ đây không phải là vấn đề của riêng một quốc gia mà là của toàn châu Âu, do đó cần phải có một giải pháp tập thể.
Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu ngày càng trở nên tồi tệ, khi có tới 1,25 triệu người tìm kiếm tị nạn đổ về các nước châu Âu trong năm 2015, cao gấp đôi so với năm 2014. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, 135.000 người đến châu Âu, trong đó có 126.000 người đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, trong số này 418 người di cư đã thiệt mạng.
Chỉ một ngày trước khi diễn ra hội nghị, lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ít nhất 25 người di cư, trong đó có 10 trẻ em đã thiệt mạng khi chiếc thuyền gỗ chở họ bị đắm ở biển Aegean trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Ngoài ra, 15 người di cư khác đã được cứu sống sau khi chiếc thuyền bị lật ở ngoài khơi thị trấn ven biển Didim thuộc khu vực phía Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc