Phát hiện siêu vi khuẩn nguy hiểm có thể kháng mọi loại kháng sinh
Giới chức y tế Mỹ ngày 26-5 thông báo đã có trường hợp đầu tiên nhiễm loại siêu vi khuẩn kháng mọi loại kháng sinh tại quốc gia này.
Bệnh nhân là một phụ nữ 49 tuổi ở bang Pennsylvania, bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân này chưa từng ra nước ngoài trong vòng 5 tháng qua. Trước đó, bệnh nhân đã đến một phòng khám ở Pennsylvania để kiểm tra.
Mẫu bệnh phẩm đã được chuyển đến Trung tâm y tế quân đội quốc gia Walter Reed. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một loại vi khuẩn Ecoli hiếm gặp trong nước tiểu bệnh nhân có thể kháng mọi loại kháng sinh. Các nhà nghiên cứu xác định được đột biến gen mới có tên là MCR-1 trên vi khuẩn Ecoli này. MCR-1 khiến vi khuẩn kháng mọi loại kháng sinh, thậm chí cả Colistin, loại kháng sinh các bác sĩ thỉnh thoảng mới sử dụng trong trường hợp các loại kháng sinh khác thất bại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: theextinctionprotocol.wordpress.com) |
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia ở Washington, Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cảnh báo: “Chúng ta đang sống trong một thế giới hậu kháng sinh và nguy cơ thuốc kháng sinh không còn chữa được các loại bệnh nhiễm trùng đang rất gần. Điều này có thể đe dọa tính mạng của khoảng 600.000 người Mỹ đang cần điều trị ung thư hoặc cần điều trị nhiễm trùng mỗi năm”. “Càng tìm hiểu về siêu vi khuẩn kháng thuốc, chúng ta lại càng lo ngại hơn. Chúng ta cần phải nghiên cứu và phát triển ra một loại kháng sinh mới. Tuy nhiên nếu không thực hiện tốt công tác quản lý và chấm dứt tình trạng lạm dụng kháng sinh, chúng ta sẽ đánh mất những loại thuốc kỳ diệu này”, ông Tom Friede cho biết.
Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, mỗi năm ở Mỹ có ít nhất 2 triệu người bị nhiễm các loại vi khuẩn cứng đầu đối với hầu hết các loại kháng sinh và có ít nhất 23.000 người tử vong do những nhiễm trùng này. Gen kháng Colistin đã được tìm thấy trên người và động vật ở Trung Quốc hồi năm ngoái. Trước đó, Ấn Độ đã phát hiện một loại siêu vi khuẩn mọi loại kháng sinh khác tại nước này vào năm 2010.
Hồi đầu năm nay, tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), hơn 80 hãng dược phẩm hàng đầu thế giới đã kêu gọi các chính phủ và ngành dược phối hợp tìm biện pháp thúc đẩy việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý và ngăn chặn các “siêu vi khuẩn” kháng thuốc đang gia tăng mạnh. Trong "Tuyên bố ngăn chặn vi khuẩn kháng thuốc (DCAR)”, 83 quốc gia và 8 hiệp hội dược thuộc 16 nước tham gia ký kết đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới ủng hộ việc đầu tư vào phát triển các loại kháng sinh, phương pháp chẩn đoán, vắcxin và các sản phẩm dược khác để ngăn chặn và điều trị các bệnh truyền nhiễm kháng thuốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: cbsnews.com) |
Việc đông đảo các hãng dược phẩm trên toàn cầu, bao gồm cả các tên tuổi lớn như Johnson & Johnson, Roche, Novartis, Pfizer and Merck, AstraZeneca, GlaxoSmithKline and Sanofi... tham gia ký tuyên bố trên cho thấy sự cấp thiết phải có những bước tiến mới trong việc phát triển và tiếp thị thuốc kháng sinh.
Các hãng dược phẩm thừa nhận thực tế rằng nhiều loại thuốc kháng sinh đang ngày càng mất tác dụng nhanh trong khi chưa tìm ra các loại thay thế. Khắc phục tình trạng này được coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế trên toàn cầu. Theo tuyên bố trên, các hãng dược phẩm và chẩn đoán bệnh nhất trí đưa ra các biện pháp phát triển thuốc, vắcxin mới và bảo vệ tác dụng của các loại thuốc hiện có. Các hãng dược phẩm cam kết gia tăng đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước đưa ra các mô hình thương mại mới có thể khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, triển khai các khung điều trị phù hợp mới để hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
Kết quả một nghiên cứu do Anh đứng đầu ước tính rằng nếu không hành động nhanh chóng, tình trạng kháng thuốc có thể làm 10 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng mỗi năm vào năm 2050.
Hồng Hải (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc