Multimedia Đọc Báo in

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng toàn bộ thỏa thuận với Liên minh châu Âu

08:54, 24/05/2016

Theo Reuters, ngày 23-5, Yigit Bulut - cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - khẳng định với đài truyền hình TRT Haber rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngừng toàn bộ thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), trong đó có cả một liên minh hải quan, nếu khối này duy trì "các tiêu chuẩn kép" trong đàm phán với Ankara.

Một thỏa thuận giữa Brussels và Ankara nhằm chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu đã bị cản trở bởi những bất đồng về luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ mà EU muốn nước này thay đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.

Trước đó, vào ngày 20-5, các bộ trưởng nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một cơ chế khẩn cấp, theo đó cho phép các quốc gia châu Âu lập tức ngừng chương trình miễn thị thực vào châu lục này đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác nếu các nước này vi phạm các điều kiện chủ chốt của Liên minh châu Âu.

Cơ chế nói trên sẽ cho phép các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ngừng chương trình miễn thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ nếu có một lượng lớn người di cư Thổ Nhĩ Kỳ cư trú trái phép trong Liên minh châu Âu  hoặc nếu có lượng lớn đơn xin tị nạn của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Klaas Dijkhoff đã bày tỏ hài lòng về quyết định nói trên của Liên minh châu Âu, cho rằng cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Liên minh châu Âu xử lý tình trạng lạm dụng các điều khoản trong thoả thuận di cư: “Việc miễn thị thực là mối quan tâm của các thành viên trong khối bởi nếu số người nhập cảnh vượt quá mức thì ít ra các nước cũng có một biện pháp để phòng ngừa nếu được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, cơ chế mới giúp các nước có được quyền miễn thị thực đối với một số quốc gia. Mặc dù tôi không hy vọng biện pháp này được sử dụng, nhưng nó cần thiết”.

Miễn thị thực vào Liên minh châu Âu là một yêu cầu quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc nước này nhận lại những người di cư đến Hy Lạp theo thoả thuận di cư Liên minh châu Âu - Thổ Nhĩ Kỳ được ký hồi tháng 3 vừa qua, nhằm hạn chế dòng người di cư kỷ lục ồ ạt kéo tới châu Âu. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực thi những cải cách theo yêu cầu của Liên minh châu Âu đã khiến việc dỡ bỏ thị thực chưa thể thực hiện, đe doạ phá hỏng thoả thuận giữa hai bên về giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Ngoài ra, Liên minh châu Âu  cũng lo ngại rằng việc xóa bỏ thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ tấn công khủng bố vào "lục địa già" do những kẻ khủng bố hay tội phạm sẽ lợi dụng cơ chế đi lại tự do để có được hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban châu Âu cũng quan ngại rằng tội phạm hoạt động trong những mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy hay buôn người tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động ở châu Âu.

Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với “sóng gió mới” khi hai bên đều có thái độ cứng rắn liên quan đến việc sửa đổi luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nghị sĩ Liên minh châu Âu tiếp tục giữ thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ khi yêu cầu nước này phải sửa đổi luật chống khủng bố, một trong 5 điều khoản quan trọng trong danh mục gồm 72 điều khoản mà 2 bên cam kết thực hiện trước khi công dân nước này có thể được miễn thị thực vào châu Âu. Người đứng đầu phái đoàn nghị viện châu Âu Marietje Schaake nhấn mạnh: “Việc thay đổi luật chống khủng bố là một chủ đề nóng của các cuộc thảo luận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, tiêu chí miễn thị thực đã được EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí năm 2013. Có 72 tiêu chí đã được hai bên cam kết bằng văn bản. Nghị viện châu Âu tin rằng, các tiêu chí này cần phải được phía Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trước khi chúng tôi có thể bỏ phiếu thông qua quyết định miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ”.  Người đứng đầu phái đoàn nghị viện châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về việc luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được sử dụng làm công cụ để kiềm chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nước này.

Các quốc gia châu Âu lập tức ngừng chương trình miễn thị thực vào châu lục này đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Getty).
Các quốc gia châu Âu ngừng chương trình miễn thị thực vào châu lục này đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Getty).

Đáp lại tuyên bố của các nghị sĩ Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không chịu nhượng bộ. Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin đã lên tiếng bác bỏ việc nước này sẽ thay đổi luật chống khủng bố theo yêu cầu của Liên minh châu Âu. Ông Kalin nói: “Mọi người nên tôn trọng luật chống khủng bố cũng như các biện pháp chống khủng bố của chúng tôi. Một vấn đề thực tế là EU cần ủng hộ chúng tôi trong cuộc chiến này. Vì an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là an ninh cho châu Âu. Chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến toàn diện chống khủng bố. Do đó sẽ là không hợp lý nếu ai đó yêu cầu chúng tôi thay đổi luật mà luật đó lại ủng hộ cho những kẻ khủng bố cũng như khuyến khích những người ủng hộ chúng”.

Theo đánh giá của giới phân tích, những tuyên bố cứng rắn của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ làm cản trở không nhỏ đến việc thực thi thỏa thuận giữa hai bên. Để thoả thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ được thực thi đầy đủ, Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện châu Âu phải áp dụng cơ chế miễn thị thực cho công dân nước này. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực thi những cải cách theo yêu cầu của Liên minh châu Âu đã khiến việc dỡ bỏ thị thực chưa thể thực hiện. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng nước này về cơ bản đã hoàn tất các điều khoản trong thỏa thuận với EU trong khi EU lại khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đáp ứng 5 điều khoản quan trọng nữa trong danh mục gồm 72 điều khoản mà 2 bên cam kết thực hiện trước khi công dân nước này có thể được miễn thị thực vào châu Âu.

Hà Như (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc