Ngày càng nhiều người Anh nói "không" với Liên minh châu Âu
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ Anh rời khỏi EU đã bất ngờ vượt lên trên tỷ lệ ủng hộ ở lại và đây là một thách thức lớn cho Thủ tướng Anh David Cameron khi cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh chỉ còn không đầy ba tuần nữa sẽ diễn ra và trong xã hội đang có sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề ra đi hay ở lại.
Thăm dò của YouGov cho thấy 45% cử tri sẽ bỏ phiếu rời đi so với 41% chọn ở lại.
Một cuộc thăm dò riêng rẽ do TNS thực hiện cho thấy 43% ủng hộ Brexit (Anh rời EU) trong khi 41% ủng hộ tiếp tục tư cách thành viên EU.
Cuộc thăm dò do ICM thực hiện cho thấy sự cách biệt còn cao hơn với 48% chọn ra đi và 43% chọn ở lại.
Cuộc chiến giữa rời và ở lại EU. Ảnh: usviewer.com. |
Trang tin "WhatUKThinks" cũng đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nước Anh rời khỏi EU đã vượt lên dẫn trước so với tỷ lệ nói "Không" với Brexit trong vòng một tháng qua. Cuộc thăm dò đã hỏi ý kiến cả những người đang lưỡng lự trước quyết định Anh nên "ra đi" hay "ở lại" mái nhà chung châu Âu. Kết quả các cuộc thăm dò trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh này được coi là một sự đảo chiều sau hai cuộc thăm dò trong vòng gần 1 tháng qua, nhóm ủng hộ Anh ở lại EU luôn dẫn đầu.
Kết quả các cuộc thăm dò đã ngay lập tức ảnh hưởng tới các thị trường tài chính khi đồng bảng Anh giảm giá trị 1,5% so với đồng USD trong các phiên giao dịch ngày 6-6 xuống mức thấp mới.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ không khác nào hành động kích nổ trái bom đặt dưới nền kinh tế Vương quốc Anh.
Trong một biểu hiện về sự đoàn kết liên đảng chưa từng thấy, ngày 6-6, Thủ tướng Cameron đã cùng tham gia với các chính khách hàng đầu của Công đảng đối lập, đảng Dân chủ Tự do (Lib Dem) và đảng Xanh để thuyết phục cử tri bỏ phiếu ở lại EU.
Phát biểu tại sự kiện tổ chức ở London, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh rằng bỏ phiếu rời EU đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ đối mặt với một thời kỳ suy thoái, những năm tháng bất ổn và thương mại đi xuống. Ông cũng chỉ trích phe vận động rời khỏi EU đã đưa ra những con số thống kê chỉ nhằm phục vụ mục tiêu của mình mà không quan tâm đến tương lai của người dân cũng như không đưa ra được bất cứ kế hoạch kinh tế nào cho nước Anh sau khi rời EU.
Các chính khách có mặt tại sự kiện gồm Harriet Harman thuộc Công đảng, Tim thuộc LibDem và Natalie Bennett cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Cameron và bày tỏ nghi ngờ về các số liệu mà phe vận động rời đi đưa ra về phí tổn của Anh khi là thành viên EU.
Cùng ngày, hai nhân vật hàng đầu của phe vận động rời khỏi EU là cựu Thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đã tới Stratford-upon-Avon để vận động cử tri "nói Không với EU". Ông Johnson nói rằng nước Anh sẽ mất thêm 2,4 tỷ bảng nữa cho EU nếu bỏ phiếu ở lại, trong khi ông Gove cho rằng EU làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và an ninh quốc gia. Theo lời Bộ trưởng Tư pháp Anh, nếu tiếp tục làm thành viên EU, Anh có lúc sẽ không thực thi được luật pháp của mình mà phải phục tùng quy định của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Thủ tướng Đức Angel Merkel, một đồng minh của Anh trong EU cũng đã cảnh báo viễn cảnh xấu nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Phó Chủ tịch đảng trung hữu trong nghị viện châu Âu, nghị sĩ David McAllister trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Đức của hãng tin Reuters của Anh nhấn mạnh, nếu xảy ra Brexit, hàng nghìn việc làm ở Anh sẽ bị đe dọa. Ông Allister nói: “Đức đánh giá cao Anh như một đối tác quan trọng khi nước này tham gia các tổ chức quốc tế như G7, G20, Liên hiệp quốc, NATO và cả Liên minh châu Âu (EU). Đức và Anh cùng chia sẻ quan điểm về chính trị khi nói về trách nhiệm tài chính, chính sách kinh tế đem lại sự tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm mới, đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng, chống quan liêu. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai hệ thống chính trị và đó là điều lý giải việc Đức đặc biệt muốn giữ Anh ở lại EU.”
Thủ tướng Anh David Cameron (phải, trước) phát biểu tại thủ đô London ngày 30-5 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ông Roberto Azevedo trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters của Anh mới đây cũng lên tiếng cho rằng, việc Anh rời khỏi EU là điều “không thực tế nhất”. Với Brexit, nước Anh sẽ phải đàm phán lại các điều khoản thương mại với 161 nước thành viên WTO, cũng như không được hưởng những ưu đãi như thuế nhập khẩu ở mức thấp hoặc bằng 0% khi tiếp cận thị trường 58 nước tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU. Theo ông Azevedo, nước Anh gia nhập WTO khi là thành viên EU và các điều khoản gia nhập WTO được hình thành sau hai thập niên đàm phán với sự hậu thuẫn của EU. Vì vậy, nếu bỏ phiếu rời EU, nước Anh sẽ không chỉ đơn giản là “cắt, dán” những điều khoản này. Trên thực tế, nước Anh sẽ phải thương thảo lại các thỏa thuận trên mọi phương diện, từ hàng ngàn mục thuế, hạn ngạch xuất khẩu nông sản, trợ cấp nông nghiệp, cho tới các điều kiện tiếp cận thị trường mà các ngân hàng và các công ty dịch vụ khác của nước Anh hiện đang được hưởng.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng cảnh báo viễn cảnh “Brexit” có thể dẫn tới tình trạng bất ổn, nhấn mạnh cả Liên minh châu Âu và khối liên minh quân sự này sẽ mạnh hơn nếu Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu. Ông Jens Stoltenberg bày tỏ tin tưởng rằng việc nước Anh ở lại Liên minh châu Âu sẽ tốt cho cả Anh, Liên minh châu Âu cũng như NATO.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Đó là một lợi thế lớn để có một Liên hiệp Vương quốc Anh mạnh trong Liên minh châu Âu, thúc đẩy hợp tác an ninh với NATO... Cũng thật tốt để có Anh trong NATO thúc đẩy hợp tác chiến lược với Liên minh châu Âu. Chúng ta đang sống trong thời điểm có nhiều mối đe dọa và bất ổn, chúng ta cần hợp tác nhiều hơn nữa ở châu Âu”.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc