Ngày Môi trường Thế giới: Đi theo tiếng gọi của thiên nhiên
Ngày 5-6, cộng động quốc tế cùng hướng đến Ngày Môi trường Thế giới với chiến dịch “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Chiến dịch nhằm truyền cảm hứng để người dân toàn cầu lựa chọn lối sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất.
Nhân Ngày Môi trường Thế giới 2016, Liên hiệp quốc muốn nhấn mạnh vào cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã-hành động đã và đang làm suy thoái nguồn đa dạng sinh học quý giá và đẩy các giống loài quý hiếm như voi, tê giác, rùa, cá heo… đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Liên hiệp quốc cảnh báo tác động trực tiếp của nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã làm suy yếu hệ sinh thái tự nhiên và phá vỡ những di sản thiên nhiên của loài người.
Nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Liên hiệp quốc đã phát động nhiều chiến dịch, kêu gọi người dân các nước và cả cộng đồng quốc tế cùng nhau chống lại những hành động phá hoại môi trường hoang dã, bảo vệ các loài động vật hoang dã và giáo dục thế hệ tương lai của chúng ta về những trách nhiệm và giá trị của việc bảo tồn môi trường thiên nhiên và các loài động vật trong tự nhiên.
Gửi đi thông điệp trong Ngày Môi trường Thế giới 2016, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) Achim Steiner kêu gọi người dân thế giới thực hiện chiến dịch “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Theo đó, mỗi người hãy sử dụng sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của mình để chống lại nạn buôn bán động, thực vật trái phép. Ông Steiner nhấn mạnh: “Thiệt hại từ nạn buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã đã trở nên rất nghiêm trọng, do đó, chúng ta cần hành động khẩn cấp để cứu vãn thực trạng này. Những giống loài như tê giác, hổ, khỉ đột, rùa biển và voi đang gặp nguy hiểm. Nạn buôn bán động, thực vật hoang dã đang làm xói mòn sự đa dạng sinh học của hành tinh này và phá hoại các hệ thống tự nhiên mà chúng ta đang sống phụ thuộc vào. Nạn buôn bán động, thực vật hoang dã kéo theo tham nhũng và phá hủy luật pháp trên toàn thế giới. Điều này phải chấm dứt và chúng ta phải hành động trước khi quá muộn”.
Ảnh minh họa: AP |
Theo Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã là chủ đề hành động hàng đầu trong chương trình nghị sự của Liên hiệp quốc. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong Chương trình Phát biển bền vững toàn cầu 2030.
Năm nay, Angola, nước được chọn đăng cai lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới, đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhất cho cuộc chiến chống nạn buôn bán động, thực vật hoang dã trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) Steiner cho biết: “Angola đã đóng cửa các khu vực buôn bán ngà voi ở trong nước và tăng cường chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã. Chúng tôi ủng hộ hành động của Angola và kêu gọi các nước có hành động tương tự. Chúng ta cần phải phối hợp không chỉ ở mức toàn cầu mà còn từ chính các cộng đồng, người dân địa phương trong cuộc chiến này. Hành động của các bạn chính là yếu tố quyết định cho thành công của cuộc chiến này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bạn hay nghe theo tiếng gọi thiên nhiên và hành động”
Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã phối hợp thực hiện và công bố báo cáo mang tên “Sự gia tăng của tội phạm môi trường”.
Báo cáo ước tính các tổ chức tội phạm đang kiếm được khoảng 258 tỷ USD từ việc sử dụng bất hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, những chính sách quản lý lỏng lẻo cùng sự thờ ơ trong việc thực thi pháp luật hiện hành của các cơ quan chức năng đã khiến hoạt động khai thác và buôn bán bất hợp pháp các loại động, thực vật tăng vọt 26% trong thời gian qua.
Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner đã chỉ trích sự gia tăng của tội phạm môi trường là mối đe dọa đối với cuộc sống, sự ổn định cũng như phát triển bền vững của thế giới. Trong khi đó, những khoản tiền khổng lồ thu được từ những hành vi xâm hại môi trường lại đang là nguồn nuôi sống những tổ chức tội phạm quốc tế, qua đó tàn phá hệ sinh thái, các nền kinh tế địa phương và gây bất an trong xã hội.
Buôn bán trái phép động, thực vật hiện có mạng lưới tội phạm lớn thứ tư của thế giới, chỉ xếp sau buôn lậu ma túy, buôn bán hàng giả và buôn bán người. Trong thời gian gần đây, lợi nhuận thu về và sự tinh vi của các hành vi phạm tội liên quan đến môi trường đã vượt xa buôn bán vũ khí hạng nhẹ. Theo báo cáo của UNEP và Interpol, giá trị thu về từ các hoạt động buôn bán trái phép vũ khí hạng nhẹ chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD so với con số 258 tỷ USD mà hoạt động buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật học mang lại.
Giữa bối cảnh tội phạm môi trường đang phát triển với tốc độ đáng báo động, Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock nhận định một cách thức tiếp cận sáng tạo và hợp tác giữa các chính phủ sẽ có thể giúp “nhổ tận gốc” những hành vi khai thác và buôn bán trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, những vấn đề như nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng và sự phối hợp, áp dụng công nghệ thông tin có thể giúp giảm thiểu tội phạm môi trường.
Hà Như (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc