Multimedia Đọc Báo in

Venezuela lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế

20:23, 04/06/2016

Ngày 31-5, hàng chục nghìn nhân viên ngành giao thông Venezuela đã tham gia một cuộc tuần hành lớn ở thủ đô Caracas bày tỏ sự ủng hộ chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, trong bối cảnh phe đối lập tăng cường các hoạt động chống phá.

Chủ tịch Hiệp hội Giao thông quốc gia Venezuela José Betancourt nhấn mạnh 50.000 người lao động ngành giao thông đã tham gia tuần hành khẳng định đoàn kết ủng hộ Tổng thống Maduro và phản đối âm mưu phá hoại nền dân chủ ở quốc gia Nam Mỹ này. Nhiều công đoàn viên tham gia tuần hành đến từ các địa phương trên cả nước và bày tỏ thông điệp phản đối phe đối lập, quyết tâm bảo vệ những thành quả cách mạng.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper thông báo nhóm hòa giải quốc tế sẽ tiếp tục họp vào tuần tới trong nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay giữa chính phủ và phe đối lập Venezuela. Ông Samper cũng cho biết, Giáo hoàng Francis bày tỏ sẵn sàng làm trung gian cho tiến trình đàm phán ở Venezuela.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) tham gia Chương trình hành động của Chính phủ ở Caracas ngày 19-5. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) tham gia Chương trình hành động của Chính phủ ở Caracas ngày 19-5. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cuối tuần trước, UNASUR cùng nhóm các nhà trung gian hòa giải quốc tế gồm cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, cựu Tổng thống Dominica Leonel Fernandez và cựu Tổng thống Panama Martin Torijos đã có cuộc họp riêng rẽ với đại diện Chính phủ Venezuela và Liên minh Bàn Đoàn kết Dân Chủ (MUD) đối lập. Sau cuộc họp, UNASUR đã ra thông cáo nhấn mạnh có “mong muốn đối thoại ở cả hai phía” và sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại mới nhằm nhất trí về một chương trình nghị sự phù hợp với nhu cầu của mỗi bên và về cách thức tham gia cuộc đối thoại quốc gia.

Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez khẳng định cuộc họp được tổ chức dựa trên sáng kiến của Tổng thống Maduro, qua đó thể hiện nỗ lực “thúc đẩy hòa bình, tôn trọng quy định luật pháp, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” của Chính phủ Venezuela. Trong khi đó, MUD cho rằng điều kiện để thực hiện các cuộc đối thoại là phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm ông Maduro, trả tự do cho các tù nhân chính trị, cho phép những người lưu vong trở về nước và chấm dứt các cuộc đàn áp chính trị.

Cùng ngày, Tổng thống Maduro tố cáo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đang lên kế hoạch tấn công quân sự Venezuela, đồng thời tố cáo các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha gây hấn nhằm hợp pháp hóa âm mưu trợ giúp các thế lực tiến hành đảo chính.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro đã ra thông báo triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng thường trực để xem xét áp dụng điều khoản về dân chủ chống lại Chính phủ Venezuela, mở đường cho việc khai trừ Caracas khỏi tổ chức này vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Almagro đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước thành viên trong OAS. Những nước này cho rằng, tuyên bố của ông Almagro không mang tính xây dựng trọng việc giải quyết bất đồng của một quốc gia thành viên. Trong khi đó, Chính phủ theo đường lối xã hội của Tổng thống Venezuela Maduro cùng ngày cho rằng, quyết định của Tổng Thư ký OAS Almagro về việc chỉ trích Caracas vi phạm các điều khoản về dân chủ là một âm mưu "đế quốc" nhằm vào nước này. Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez thậm chí còn gọi ông Almagro là một công cụ của Mỹ.

Tuyên bố sau cuộc họp ngày 1-6, các nước thành viên Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã ủng hộ đối thoại giữa Tổng thống Nicolas Maduro và Liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đang nắm đa số trong Quốc hội. Đại diện thường trực của Argentina tại OAS Denis Ronaldo Moncada Colindres cho biết: “Chúng tôi tin chắc rằng cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela là đối thoại. Vấn đề của Venezuela chỉ có thể do người Venezuela giải quyết. Đó cũng là cách mà Argentian đã từng đề xuất nhiều lần. Chúng tôi cho rằng, không gì có thể thay thế cho giải pháp đối thoại cởi mở và thẳng thắng giữa chính những người Venezuela”.

Để đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela, OAS cần có sự ủng hộ của 2/3 trong số 34 thành viên. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra, bởi chính phủ cánh tả của Venezuela vẫn giành được sự ủng hộ của đa số các nước trong khu vực. Dù không còn sự ủng hộ của Argentina và Brazil, những nước hiện đang do chính phủ cực hữu nắm quyền, nhưng Venezuela vẫn còn sự ủng hộ mạnh mẽ của các chính phủ cánh tả như Bolivia, Ecuador và Nicaragua. Bên cạnh đó, Venezuela cũng có sự ủng hộ truyền thống từ những nước nhỏ vùng Trung Mỹ và Caribbean – những nước hưởng lợi từ ưu đãi dầu mỏ và nhiên liệu theo thỏa thuận với Venezuela

Tình hình Venezuela đang rất phức tạp khi Quốc hội bác bỏ sắc lệnh của Tổng thống, còn kinh tế thì hỗn loạn do lạm phát tăng, giá dầu giảm. Hôm 17-5, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã bác bỏ Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp kinh tế do Tổng thống Nicolas Maduro vừa ban bố. Động thái này của phe đối lập càng làm trầm trọng thêm tình hình của Venezuela vốn bất ổn và đang đứng trước nguy cơ một cuộc suy sụp toàn diện.

Đây không phải là mâu thuẫn mới giữa Chính phủ và Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Trước đó, thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles ngang nhiên tuyên bố, quân đội Venezuela phải lựa chọn giữa việc ủng hộ hiến pháp hay ủng hộ Tổng thống Maduro. Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi ông Maduro ban hành một lệnh tình trạng khẩn cấp mở rộng quyền lực của binh sĩ và cảnh sát và chỉ một ngày trước khi diễn ra các cuộc tuần hành do phe đối lập tổ chức đòi trưng cầu ý dân về việc phế truất ông Maduro.

Phe đối lập xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Venezuela Maduro hồi tháng 3-2016. Ảnh AP
Phe đối lập xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Venezuela Maduro hồi tháng 3-2016. Ảnh AP

Hồi tháng 1, Venezuela đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế kéo dài 60 ngày, trong bối cảnh giá dầu lao dốc, lạm phát gia tăng và thiếu hụt hàng hoá nghiêm trọng. Ngày 16-5 vừa qua, Chính phủ Venezuela quyết định gia hạn Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp kinh tế, trong đó bổ sung thêm một số quyền hạn mới nhằm đối phó với âm mưu của các lực lượng trong và ngoài nước hòng lật đổ chính phủ. Các quyền hạn mới cho phép quân đội, cảnh sát và các ủy ban địa phương cung ứng và sản xuất hỗ trợ hoạt động phân phối hàng hóa, thuốc men, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Những biện pháp trên của chính phủ Maduro diễn ra trong bối cảnh Venezuela đang đối mặt với nguy cơ một cuộc suy sụp toàn diện, giới chức Venezuela loay hoay tháo ngòi “quả bom” khủng hoảng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được biện pháp nào hữu hiệu. Giá dầu giảm sâu, siêu lạm phát, đồng tiền mất giá “không phanh” đã đẩy Venezuela, một quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa ở Nam Mỹ, tới tình cảnh không còn nhiều lựa chọn để ngăn chặn sự hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Những bất ổn tại Venezuela cũng đang khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Maduro sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả thăm dò dư luận cho thấy, có đến 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức trong năm nay. Theo nhiều nhà phân tích nhận định, tình hình tại Venezuela sẽ có nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới khi phe đối lập đang nỗ lực xúc tiến việc bãi nhiệm ông Maduro. Hiện phe đối lập chỉ còn thiếu 200.000 chữ ký theo quy định để có thể bãi nhiệm tổng thống Maduro.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc