Multimedia Đọc Báo in

Ngoại trưởng Mỹ và trọng trách tháo ngòi nổ xung đột Nga – Mỹ

15:06, 13/04/2017

Ngày 11-4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có mặt tại Moscow, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Trump đến Nga.

Theo Sputnik, chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong hai ngày (11 và 12-4) sẽ là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy Mỹ và Nga đứng ở đâu trong quan hệ hiện tại.

Chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Mỹ được coi là phép thử kỹ năng ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, với trọng trách “tháo ngòi nổ” căng thẳng, ngăn ngừa nguy cơ xung đột sau khi Mỹ ra lệnh tấn công tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân của Chính phủ Syria.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Nga chỉ trích các vụ tấn công tên lửa của Mỹ, coi đây là hành động thể hiện sự không sẵn sàng hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Các quan chức Nga cũng khẳng định, bước đi của Mỹ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ song phương.

Trong một động thái cho thấy chuyến thăm này sẽ không dễ dàng đối với cựu Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil, Điện Kremlin ngày 10-4 thông báo ông Tillerson sẽ không có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo truyền thông Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson khi ở Nga cũng có thể phải nghe rất nhiều tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Sergey Lavrov.

Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ cũng có những thông điệp mạnh mẽ nhằm vào Nga, cho rằng nước này đã “thất bại” khi không làm tròn nghĩa vụ loại bỏ kho vũ khí hóa học của Syria theo thỏa thuận năm 2013. “Chắc chắn rằng chính phủ Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vũ khí hóa học gần đây”, ông Tillerson khẳng định: “Tôi nghĩ đã đến lúc Nga cần phải cân nhắc thật chắc chắn  về ý định tiếp tục ủng hộ cho chính quyền Assad”.

Tuy nhiên, theo ông John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện làm việc cho Hội đồng Đại Tây Dương, cơ quan tư vấn chính sách cho Mỹ và NATO, nếu Tổng thống Vladimir Putin không tiếp Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, chắc chắn Mỹ sẽ xem đây là một tín hiệu tiêu cực. Việc ông Tillerson đến Moscow chỉ gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov "không hẳn là vô ích mà kém hiệu quả" vì ông Lavrov "không có quyền trong quá trình hoạch định chính sách”. Dù chưa thể khẳng định việc ông Putin không muốn gặp ông Tillerson là hành động gây mất mặt có chủ đích, nhưng phía Mỹ sẽ nghĩ như vậy.

Trong khi đó, chuyên gia Lilia Shevtsova từ Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ cho rằng Tổng thống Putin muốn “giữ thể diện” bằng cách né tránh và mong đợi Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ nhằm thuyết phục Nga không phản đối kịch liệt các chiến dịch của Washington ở Syria.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có cuộc gặp khó khăn với Ngoại trưởng Nga Lavrov.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) sẽ có cuộc gặp khó khăn với Ngoại trưởng Nga Lavrov.

Cho dù ai gặp ông Tillerson cũng sẽ không thay đổi điều những kỳ vọng của Moscow Chuyên gia Lilia Shevtsova nói: “Moscow không muốn đối đầu hay bị cô lập cùng với Iran và Syria. Chuyến thăm này nhằm ngăn chặn tình trạng này xảy ra”.

Mặc dù Nga – Mỹ liên tục cảnh báo lẫn nhau, giới quan sát cho rằng việc Mỹ không kích Syria nên được hiểu là hành động răn đe đối với việc sử dụng vũ khí hóa học và là thông điệp cứng rắn rằng chính quyền Mỹ không do dự sử dụng vũ lực. Điều này có thể làm phức tạp chiến lược cải thiện quan hệ với Nga, chứ không làm gia tăng đối đầu quân sự giữa hai quốc gia.

Việc Nga tuyên bố dừng chứ không hủy bỏ một số hợp tác với Mỹ sau cuộc không kích, còn Ngoại trưởng Nga cũng không hủy chuyến thăm của ông Tillerson đã cho thấy Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ về nhiều vấn đề.

Trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hi vọng, cuộc tấn công của Mỹ tại Syria không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương. “Tất nhiên chúng tôi chỉ trích mạnh mẽ hành động này của Mỹ gây tổn hại lớn đến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ”, ông nói: “Tuy nhiên tôi hy vọng các hành động khiêu khích này sẽ không dẫn đến một số hậu quả  nghiêm trọng”.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Tillerson cho rằng Washington và Moscow có thể hợp tác về chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Nga có thể sẽ muốn tìm kiếm sự đảm bảo rằng việc hợp tác vẫn có thể diễn ra mà không kèm theo những đòi hỏi từ phía Mỹ về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời bỏ quyền lực.

Thực tế, trước khi Mỹ ra lệnh không kích Syria tuần trước, chuyến thăm của ông Tillerson cũng bị bao trùm một loạt các vấn đề khó khăn bao gồm cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, vi phạm Hiệp ước kiểm soát vũ khí, cuộc xung đột Ukraine và cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, với việc Mỹ không kích Syria, chuyến thăm Nga lần này thực sự là một thách thức ngoại giao lớn nhất của ông Tillerson kể từ khi đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ.

Theo giới quan sát, chuyến thăm này sẽ là phép thử kỹ năng ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ, với mục tiêu tháo ngòi nổ căng thẳng có thể tạo nên nguy cơ đối đầu quân sự Nga và Mỹ, trong khi tiếp tục tìm kiếm sự nhượng bộ  của Nga về Syria. Trong đó, bao gồm loại bỏ các kho vũ khí hóa học còn lại tại Syria cũng như hối thúc Tổng thống Assad đàm phán về tương lai của Syria.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hai ngoại trưởng sẽ thảo luận về các cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, vụ tấn công khủng bố mới đây ở thành phố St. Petersburg của Nga cũng như triển vọng hợp tác trong nhiều vấn đề khác. Bên cạnh đó, hai bên sẽ thảo luận về cuộc chiến chống IS, giải pháp cho Syria, bán đảo Triều Tiên, tình hình Ukraine và các các cuộc xung đột khác.

Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc