Multimedia Đọc Báo in

Tình hình Triều Tiên lại có diễn biến căng thẳng mới

09:50, 22/04/2017

Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện đã bị đẩy đến mức "căng như dây đàn".

Ngày 20-4, khoảng 1.500 quân nhân Mỹ và Hàn Quốc tham gia vào cuộc tập trận chung hằng năm mang tên Thần Sấm (Max Thunder) trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng huy động 80 máy bay trong đó có cả F16 và F15Ks tham gia cuộc tập trận nhằm thúc đẩy sự phối hợp trong các tình huống chiến đấu.

Đại úy Christopher Villanueva thuộc lực lượng không quân Mỹ tại Hàn Quốc cho biết: “Các nhiệm vụ trong cuộc tập trận bao gồm nhiều hoạt động không đối đất và không đối không. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm đẩy mạnh sự phối hợp giữa Mỹ và Hàn Quốc trong tình huống chiến đấu giả định để chuẩn bị cho thực tế”.

Hình ảnh một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP
Hình ảnh một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm đang có nhiều lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 vào dịp kỷ niệm các sự kiện đặc biệt của nước này trong tháng 4.

Trên thực tế, hằng năm, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, nổi bật là các cuộc tập trận như “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”. Mới đây, hai bên còn tiến hành thêm cả cuộc tập trận về cung cấp hậu cần Pacific Reach 2017. Triều Tiên luôn phản đối các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng các cuộc tập trận chung này là bước tổng duyệt cho một cuộc xâm lược Triều Tiên.

Điều đáng nói là từ đầu năm tới nay, Mỹ đã đưa thêm nhiều loại vũ khí chiến lược như máy bay chiến đấu F35 cùng các loại máy bay ném bom tầm xa  B-1B và B-52 tham gia các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Mới đây nhất, ngày 8-4, Mỹ đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, gần bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Dave Benham khi đó đã khẳng định đội tàu hoạt động tại đây với mục đích bảo vệ an ninh của Mỹ trong khu vực và nhằm đối phó Triều Tiên.

Sputniknews.com đưa tin Phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ngày 20-4 đã ra tuyên bố kêu gọi Ban thư ký Liên hiệp quốc tổ chức một diễn đàn của các chuyên gia pháp lý để bàn về những cơ sở pháp lý cho các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Triều Tiên. Tuyên bố nêu rõ rằng Triều Tiên muốn Ban thư ký Liên hiệp quốc "chấp nhận đề xuất của chúng tôi về việc tổ chức diễn đàn các chuyên gia pháp lý trong thời gian sớm nhất có thể".

Theo phái bộ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, nguyên nhân thực sự gây ra những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là chính sách gây hấn của Mỹ, trong đó có các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Tháng 1-2017, Triều Tiên đã đề xuất với Ban thư ký Liên hiệp quốc tổ chức một diễn đàn chuyên gia pháp lý quốc tế để rà soát lại cơ sở pháp lý cho các nghị quyết của Liên hiệp quốc về Triều Tiên. Tuy nhiên, cho tới nay, Hội đồng Bảo an và Ban thư ký Liên hiệp quốc chưa đáp lại đề xuất này.

Trước đó, vào ngày 19-4, một động thái được đánh giá là khá bất ngờ khi Nga đã cản trở một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, dù rằng Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên đã bày tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ tuyên bố gồm những ngôn từ cứng rắn do Mỹ đưa ra này.

Liên hiệp quốc xác nhận dự thảo tuyên bố đã được các thành viên Hội đồng Bảo an và Trung Quốc ủng hộ, như vậy Nga là nước duy nhất đứng ở lập trường phản đối.  Trong dự thảo tuyên bố mới, Hội đồng Bảo an bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước động thái của Triều Tiên và một lần nữa cảnh báo sẽ có thêm "những biện pháp mạnh tay hơn". Dự thảo này cũng dùng những ngôn từ mạnh để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa.

Việc Trung Quốc - vốn là đồng minh của Triều Tiên, ủng hộ dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an, cho thấy nước này cũng đang nỗ lực hết sức nhằm kiềm chế “sức nóng” từ Triều Tiên. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Trong các cuộc tiếp xúc gần đây giữa Trung Quốc và các bên quan tâm đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tất cả các bên đều bày tỏ rõ rằng họ không muốn chứng kiến bất kỳ cuộc xung đột hay chiến tranh nào.

Nếu một cuộc chiến nổ ra, thì hậu quả của nó sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia đã cam kết vì hòa bình khu vực sẽ không phải chịu đựng thêm những căng thẳng ở đó. Chúng ta phải cảnh giác với bất cứ ai cố gắng đạt được những mục đích chính trị bằng cách lợi dụng tình hình khu vực để làm gia tăng căng thẳng và khắc sâu thêm mâu thuẫn”.

Còn lý do khiến phía Nga phản đối dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an vì bản dự thảo có câu "cam kết thực hiện một giải pháp hoà bình, ngoại giao và chính trị", nhưng không có cụm từ "thông qua đối thoại" như trong các tuyên bố trước đó.

Bất đồng giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Triều Tiên nổi lên trong bối cảnh một cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an dự kiến được tổ chức vào tuần tới để bàn về vấn đề này. Mỹ đang cân nhắc mọi biện pháp để tăng cường sức ép đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này, bao gồm cả phương án đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Thông tin trên đã được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công bố trong một cuộc họp báo. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến khả năng đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Điều này nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc sử dụng tất cả các biện pháp từ ngoại giao, kinh tế đến an ninh có thể để gây sức ép với Triều Tiên nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nó cũng phản ánh sự thay đổi chính sách của Mỹ với Triều Tiên, nhằm chứng tỏ cam kết của Mỹ trong việc đương đầu với những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, khi mà Mỹ cho rằng “kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã kết thúc.

Một loại tên lửa được giới thiệu tại lễ diễu binh kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một loại tên lửa được giới thiệu tại lễ diễu binh kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15-4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi Mỹ dường như đang tỏ thái độ mất dần kiên nhẫn và liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh tay hơn nhằm gây sức ép với Triều Tiên về chương trình  hạt nhân của nước này, thì Nga lại đưa ra cảnh báo những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ có những động thái quân sự tại khu vực này như đã từng làm ở nhiều nơi trên thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow, Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, những lời đe dọa mà Mỹ và Triều Tiên đang đáp trả lẫn nhau giống như những “ngọn lửa hủy diệt hàng loạt”, trong khi vấn đề này có thể giải quyết thông qua những cuộc đàm phán. Nhà ngoại giao này đồng thời kêu gọi cách tiếp cận toàn diện đối với tình hình Triều Tiên. Trước đó vài ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ không hành động quân sự đơn phương nhằm vào Triều Tiên, cho rằng việc Mỹ hành động một mình là con đường rất mạo hiểm.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng giờ sau khi Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới, còn Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành hai cuộc thử nghiệm lớn vào tháng 5 về khả năng bắn hạ các tên lửa được phóng từ Triều Tiên.

Cuộc khẩu chiến đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn có nguy cơ đẩy lên thành một cuộc xung đột thực tế, khiến tình hình càng trở nên rối ren hơn giữa lúc các bên vẫn đang còn đang mâu thuẫn trong hướng tiếp cận giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi trên bán đảo Triều Tiên.

Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc