Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ thổi bùng xung đột Israel - Palestine

09:32, 12/06/2020
Trung Đông, khu vực vốn luôn tồn tại những mâu thuẫn và xung đột dai dẳng, nay lại đang “nóng” lên khi kế hoạch của Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây sắp tiến sát tới thời điểm chính thức thực hiện, dự kiến vào đầu tháng 7-2020.

Trong suốt chiến dịch tái tranh cử để trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử hiện đại của Nhà nước Israel, nhà lãnh đạo Benjamin Netanyahu từng nhiều lần khẳng định sẽ sáp nhập các khu định cư Do Thái thuộc khu Bờ Tây và Thung lũng Jordan. Khi công bố thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Likud và đảng Xanh - Trắng nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị trong nhiều tháng tại nước này, Thủ tướng Netanyahu cũng đưa ra thời hạn là ngày 1-7-2020 để Chính phủ Israel tổ chức các cuộc họp nội các bàn về việc mở rộng chủ quyền đối với các khu định cư này.

Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho sẽ bằng mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông còn đang nắm quyền, bởi kế hoạch sáp nhập này cũng là một nội dung quan trọng trong bản kế hoạch hòa bình mang tên “Thỏa thuận thế kỷ” do Washington khởi xướng. Với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, việc Mỹ “bật đèn xanh” được xem như “cơ hội lịch sử” để hoàn thành kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích chiếm đóng ở Bờ Tây, cụ thể là các khu định cư Do Thái và Thung lũng Jorrdan, mà ông coi là ưu tiên tranh cử.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến thị sát khu định cư Alon Shvut  ở Bờ Tây.    Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến thị sát khu định cư Alon Shvut ở Bờ Tây. Ảnh: AFP/TTXVN

Với cách tiếp cận của chính phủ mới ở Israel trong vấn đề này và lộ trình sáp nhập tới nay hầu như không có gì thay đổi, quan hệ giữa Israel và Palestine được dự báo sẽ đặc biệt căng thẳng, thậm chí có nguy cơ đẩy cả khu vực vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng mới, khiến tiến trình hòa bình Trung Đông càng lâm vào ngõ cụt. Kế hoạch của Israel sẽ triệt tiêu giải pháp hai nhà nước vốn được cộng đồng quốc tế ủng hộ, phá hỏng các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình và gây bất ổn an ninh ở khu vực.

Đáp trả kế hoạch của Israel sáp nhập khu vực Bờ Tây chiếm đóng, bên cạnh việc kịch liệt lên án, Chính quyền Palestine (PA) đã có một loạt phản ứng cứng rắn, từ tuyên bố không tiếp tục tuân thủ Hiệp ước hòa bình Oslo với Israel, chấm dứt mọi thỏa thuận sơ bộ cũng như chính thức với chính quyền Israel và Mỹ, tới cảnh báo sẽ ngừng công nhận Israel. Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh ngày 9-6 cho biết Palestine đã trình nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) một bản đề xuất được cho là đối trọng với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Đề xuất của Palestine bao gồm việc thành lập một "Nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự" với "những thay đổi nhỏ về đường biên giới". Từ đề xuất này có thể tiến tới một số thỏa thuận hoán đổi đất đai giữa hai nhà nước trong tương lai trên cơ sở cả hai bên cùng đồng thuận.

Thủ tướng Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép tối đa đối với Israel để ngăn chặn kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây, chủ yếu là Thung lũng Jordan, mà ông khẳng định là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hủy hoại tất cả những nỗ lực quốc tế đã thực hiện để giúp người Palestine thành lập nhà nước độc lập theo những đường biên giới xác định từ năm 1967, với thủ đô là Đông Jerusalem”.

Chính quyền Palestine ngày 8-6 thông báo đã thành lập một ủy ban cấp bộ để hỗ trợ nông dân ở Thung lũng Jordan chống lại kế hoạch sáp nhập của Israel. Ủy ban này sẽ thực hiện những kế hoạch "được chính phủ phê duyệt năm ngoái về phát triển tất cả các khu vực thuộc Palestine" nhằm hỗ trợ nông dân ở Thung lũng Jordan. Vào ngày 8-6 tại thành phố Ramallah, hàng nghìn người Palestine đã tham gia biểu tình để phản đối kế hoạch sáp nhập của Israel.

Người dân biểu tình phản đối kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây, tại quảng trường Rabin ở Tel Aviv, Israel, ngày 6-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân biểu tình phản đối kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây, tại quảng trường Rabin ở Tel Aviv, Israel, ngày 6-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Israel cũng vấp phải “rào cản” mới cho tham vọng sáp nhập Bờ Tây của mình. Tòa án tối cao Israel hôm 9-6 đã hủy bỏ luật về định cư cho phép Israel chiếm hữu đất đai của người Palestine ở vùng Bờ Tây, cho rằng luật này "vi hiến". Luật này được thông qua năm 2017 nhằm mở đường cho Israel hợp pháp hóa khoảng 4.000 nhà định cư xây dựng trên phần đất của người Palestine. Trong quyết định của Hội đồng thẩm phán, Chánh án Esther Hayut khẳng định, luật "vi phạm sự bình đẳng về quyền sở hữu của cư dân Palestine" và "phân biệt đối xử giữa người Israel và người Palestine trong khu vực".

Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel được giới phân tích đánh giá là sẽ gây trở ngại cho hòa bình ở Trung Đông, thổi bùng lên ngọn lửa xung đột giữa người Palestine và người Israel tại vùng đất vốn đã nhiều rối ren.

Không chỉ vấp phải những rào cản trong nước, quá trình sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây của Israel tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã cảnh báo các bước đi sáp nhập khu Bờ Tây của Israel sẽ dẫn đến đối đầu và hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông. Theo thông tin trên Kênh 13, Jordan sẽ triệu hồi Đại sứ nước này như là bước đi đầu tiên nếu Israel thúc đẩy kế hoạch và giúp Palestine chống lại Israel trên các diễn đàn quốc tế. Ngày 10-6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức và các đối tác châu Âu đều quan ngại sâu sắc về các kế hoạch sáp nhập của Israel đối với các vùng bị chiếm đóng ở khu Bờ Tây. Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi, ông Maas nhấn mạnh cùng với Liên minh châu Âu (EU), Đức tin rằng việc sáp nhập này là không phù hợp với luật quốc tế. Thay vào đó, EU ủng hộ việc tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine về giải pháp hai nhà nước.

Tham vọng sáp nhập Bờ Tây mà Chính phủ Israel đang theo đuổi tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khôn lường, với những hậu quả nặng nề cho cả hai bên cũng như toàn khu vực. Việc Tòa án Tối cao Israel hủy bỏ luật về định cư cho phép Israel chiếm hữu đất đai của người Palestine ở vùng Bờ Tây, trong khi lãnh đạo đảng Xanh-Trắng, đối tác trong liên minh cầm quyền mới của ông Netanyahu cho rằng luật trên “vi hiến và có vấn đề” có thể là những yếu tố tạm thời “cản đường” Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, về lâu dài, cộng đồng quốc tế sẽ phải nỗ lực tìm ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn sự bất ổn dai dẳng ở khu vực này.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, HNM)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.