Multimedia Đọc Báo in

Quản lý tần số các đài truyền thanh không dây trên địa bàn 7 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

09:45, 30/11/2011

Trung tâm Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) khu vực 7 hiện quản lý địa bàn 7 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Dak Lak, Dak Nông,  Lâm Đồng. Tại các tỉnh này,  Cục Tần số VTĐ đã cấp phép cho 90 máy phát sóng phát thanh FM trong băng tần (87 – 108) MHz; trong đó có 10 máy  của  Đài Tiếng nói Việt Nam, 17 máy của Đài Phát thanh và truyền hình ( PT-TH)  7 tỉnh;  63 đài của 62 huyện, thị, thành phố, cùng với 635  đài truyền thanh không dây (TTKD) các xã, phường, thị trấn  đang hoạt động, ngày đêm phát ra không gian lượng công suất sóng điện từ tổng cộng hàng chục ngàn W.

Đa số các đài TTKD sử dụng băng tần (87 – 108) MHz và phân bố trên diện rộng: Từ các phường của thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến những xã hải đảo cách xa đất liền trên 100 km như  Long Hải, Ngũ Phụng của huyện đảo Phú Quí (tỉnh Bình Thuận); cho đến các xã miền núi sát biên giới, thuộc huyện  Ea Súp, (tỉnh Dak Lak), Cư Jút (Dak Nông) nơi mà việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ  không đúng qui định có thể ảnh hưởng đến các mạng thông tin VTĐ dọc biên giới của  nước láng giềng Campuchia. 

Mật độ sử dụng tần số trong đoạn băng tần ( 87- 108) MHz đã dày đặc, không còn đủ để ấn định, cấp phép cho các đài phát thanh FM có nhu cầu. Để tránh gây can nhiễu cho các đài phát thanh FM hoạt động ở dải tần (87-108) MHz đã được cấp phép sử dụng, tăng khả năng tái sử dụng tần số, đồng thời có đủ tần số phân bổ cho các đài TTKD, Cục Tần số VTĐ đã có công văn số 601/CTS-PTTH ngày 12-4-2007, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Đài PT-TH tỉnh, thành phố hướng dẫn  UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh có kế hoạch triển khai hệ thống TTKD sử dụng tần số trong đoạn băng tần (54-68) MHz với công suất nhỏ (dưới 30W), không tiếp tục trang bị máy phát sóng dải tần (87-108) MHz. Tuy nhiên, đến nay số lượng đài TTKD sử dụng tần số trong băng tần (54-68) MHz đúng qui hoạch là rất ít. Trong  635 đài TTKD đã được cấp giấy phép, chỉ có 122 đài hoạt động ở băng tần (54 – 68)MHz, chiếm tỷ lệ chưa đến 20%.
Các đài TTKD sử dụng băng tần (87-108)MHz không đúng qui hoạch đã làm cho nền tạp của dải tần số này tăng cao. Một đài phát thanh FM của trung ương, tỉnh hoặc huyện chọn giải pháp tăng công suất phát để bảo đảm tỷ lệ S/N( tín hiệu/tạp âm)  trong vùng phủ sóng,  kéo theo hàng loạt các đài có chung vùng phủ sóng lần lượt đầu tư kinh phí để tăng công suất phát, khiến nền tạp trong dải (87-108) MHz  đã cao càng dâng cao, dẫn đến  tỷ lệ S / N không bảo đảm. Các đài phát sóng phát thanh FM lại  tiếp tục tăng công suất phát, lớn hơn nhiều so với yêu cầu cần phủ sóng, sao cho bảo đảm tỷ lệ S/N ... gây lãng phí kinh phí, giảm khả năng tái sử dụng tần số mà vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn.

Một ca làm việc của nhân viên Trạm Kiểm soát tần số Dak Lak.  Ảnh: H.G
Một ca làm việc của nhân viên Trạm Kiểm soát tần số Dak Lak. Ảnh: H.G
Qua tiến hành đo, kiểm tra chất lượng phát xạ của 195 đài TTKD trên địa bàn 7 tỉnh,  kết quả cho thấy 42 đơn vị sử dụng thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn. Nhiều thiết bị TTKD được sản xuất bởi các công ty trong nước không được chứng nhận hợp quy, không đáp ứng quy chuẩn vẫn đưa vào sử dụng đã làm gia tăng số lượng can nhiễu, làm giảm chất lượng dịch vụ của các mạng thông tin VTĐ.  Hệ thống máy phát sóng TTKD không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, khi hoạt động, ngoài phát xạ chính, còn phát ra không gian nhiều phát xạ không mong muốn. Chính các phát xạ không mong muốn này là nguyên nhân gây ra những vụ can nhiễu thông tin VTĐ. Từ can nhiễu lẫn nhau: loa truyền thanh của xã Tri Hải (huyện Ninh Hải), phát nội dung của đài Truyền thanh TP. Phan Rang - Tháp Chàm, cho đến những vụ can nhiễu đặc biệt nguy hại, đe dọa an toàn các chuyến bay qua vùng trời Tây Nguyên như : Đài dẫn đường bay sân bay Tân Sơn Nhất sử dụng tần số 120.1 MHz bị can nhiễu bởi phát xạ giả, phát xạ ngoài băng của đài TTKD xã Cư Huê, huyện Ea Kar (tỉnh Dak Lak) và đài TTKD xã Nam Đà, huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông).

Trong thời gian qua, Trung tâm Tần số VTĐ khu vực 7 và các sở TT-TT đã tiến hành đo kiểm tra 300 đài TTKD; qua đó chấn chỉnh, hướng dẫn hơn trăm đài,  xử phạt hành chính hàng chục đài. Nỗ lực này đã góp phần làm thay đổi nhận thức, kéo theo sự  tích cực tham gia quản lý của UBND các cấp và các Phòng văn hóa thông tin huyện. Trung tâm Tần số VTĐ khu vực 7 phối hợp với các Cơ quan Hành chính công; các đơn vị sử dụng, các cấp chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tần số  VTĐ; tham mưu cho UBND các tỉnh  ban hành các văn bản và tổ chức bộ máy quản lý;  thanh tra,  kiểm tra và xử lý vi phạm; đo kiểm tra thông số kỹ thuật và hướng dẫn các đơn vị sử dụng thực hiện đúng quy định pháp luật về lĩnh vực tần số VTĐ.

Ngày 3-8-2011, Bộ TT-TT ban hành Chỉ thị 03/CT-BTTTT  về tăng cường công tác quản lý chất lượng thiết bị phát thanh truyền hình và TTKD, đặt ra mục tiêu có mạng đài TTKD đạt qui chuẩn,  không bị nhiễu và không gây can nhiễu,  phục vụ tốt  nhiệm vụ chính trị, điều hành của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Theo đó, để  đạt mục tiêu nói trên, các cơ quan quản lý địa phương, các Trung tâm Tần số VTĐ khu vực cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực tần số VTĐ cho các đối tượng sử dụng, chú trọng các đơn vị sử dụng thiết bị TTKD; tham mưu cho UBND các tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi; thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính các đài TTKD vi phạm. Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần định hướng có thời hạn lộ trình cho các đơn vị sử dụng đài TTKD hoạt động ở dải tần (87 – 108) MHz, chuyển về sử dụng băng tần (54 – 68) MHz đúng qui hoạch, công suất nhỏ (dưới 30W); tăng cường công tác quản lý chất lượng thiết bị phát sóng TTKD từ sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và lắp đặt đưa vào sử dụng, dần xóa bỏ việc sử dụng các thiết bị VTĐ có tần số hoạt động không đúng quy hoạch, không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật; nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về phổ tần và tương thích điện từ đối với thiết bị phát sóng TTKD băng tần (54-68)MHz làm cơ sở để chứng nhận hợp quy, kiểm định và định hướng việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng thiết bị phát sóng TTKD.  

Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo“ do Bộ TT-TT chủ trì cần chú trọng kiện toàn các đài TTKD: từ  mô hình hoạt động, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cho đến cơ chế, chính sách, đào tạo và chế độ tiền lương cho người vận hành, khai thác, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí chuyển đổi băng tần từ (87-108) MHz về băng tần (54-68) MHz đúng qui hoạch và hỗ trợ phí sử dụng tần số cho các đài TTKD khu vực này.

Nguyễn Tuấn Hùng
(Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 7)

Ý kiến bạn đọc