Dành 30% ngân sách Trung ương cho phát triển khoa học công nghệ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế.
Đề án này đề ra mục tiêu đến năm 2020, phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; trong đó tập trung ưu tiên một số lĩnh vực có thế mạnh; có thứ hạng cao trên thế giới như công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học trong y tế và nông nghiệp; công nghệ vật liệu mới. Thời điểm này, hoạt động khoa học và công nghệ sẽ đóng góp khoảng 30% - 35% tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 20%/năm, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15%/năm. Đạt trình độ nhóm có thứ hạng khá trên thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Sinh viên Đại học Tây Nguyên trong một giờ thực hành chăm sóc động vật |
Để hoàn thành được mục tiêu trên, Đề án nêu một loạt giải pháp về đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học công nghệ; tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư và cơ chế tài chính… Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp điều chỉnh cơ cấu trong dự toán chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ, phù hợp với năng lực và định hướng phát triển, bảo đảm đúng mục đích, tránh dàn trải. Hằng năm, dành khoảng 30% trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ. Ngoài ra, triển khai thực hiện cơ chế hợp tác công tư đồng tài trợ (PPP), cơ chế đầu tư đặc biệt đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn…
G.N
Ý kiến bạn đọc