Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về hiến máu nhân đạo

10:50, 07/04/2010

Hiến máu cứu người thể hiện sâu sắc sự tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Trong những năm gần đây, mỗi khi có các đợt hiến máu nhân đạo, rất nhiều cá nhân, tập thể đã nhiệt tình hưởng ứng, góp phần tạo nguồn máu cứu sống tính mạng nhiều bệnh nhân.

 

Tuy nhiên, còn có những người chưa hiểu đúng về hiến máu nhân đạo như sợ bị bác sĩ lấy quá số máu của cơ thể; nếu cho máu cơ thể bị thiếu máu sẽ gầy còm… Để giúp mọi người hiểu đúng hơn về hiến máu nhân đạo, xin giới thiệu một số điều cần biết về công tác hiến máu.
Máu là chất lỏng lưu thông trong các mạch của cơ thể, bao gồm các thành phần: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Mỗi thành phần thực hiện một nhiệm vụ khác nhau và mỗi thành phần chỉ có một đời sống nhất định, ví dụ: Hồng cầu trong cơ thể có đời sống khoảng 120 ngày, sau đó sẽ được thay thế bởi hồng cầu mới. Nếu không cho máu thì lượng hồng cầu cũng mất đi tự nhiên và cơ thể sẽ sản sinh ra hồng cầu mới.
Hiến máu là cho máu tốt, máu không có nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu như nhiễm HIV/AIDS, giang mai, sốt rét, viêm gan B… vì những người hiến máu là những người khỏe mạnh thật sự. Thường nữ 43 kg có khoảng 3.000 ml máu, nam 45 kg có khoảng 3.150 ml máu, nếu hiến một lượng máu 250 ml thì chỉ bằng 8% số lượng máu của cơ thể nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lượng máu mất đi được phục hồi nhanh sau 3-5 ngày. Máu được tái tạo là máu mới do cơ thể sinh ra, các thành phần trong máu được trẻ hóa, có sức đề kháng chống lại bệnh tật và tạo sự hưng phấn trong cơ thể.

Hiến máu
 

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiến máu được. Người đến hiến máu phải là người có đủ các điều kiện như: cơ thể khỏe mạnh, tim mạch và huyết áp bình thường; đối với nữ nằm trong độ tuổi từ 18-55, nặng 42 kg trở lên; đối với nam từ 18-60 tuổi, nặng 45 kg trở lên. Người nặng hơn 50 kg có thể hiến mỗi lần 350 ml máu, khoảng cách giữa hai lần hiến máu ít nhất là 2,5-3 tháng. Những người bị nhiễm vi-rút viêm gan B, viêm gan C, các bệnh lây qua đường máu…; phụ nữ đang mang thai, có kinh, điều hòa kinh nguyệt, đang cho con bú không được hiến máu.
Người hiến máu sẽ được khám, tư vấn và xét nghiệm máu miễn phí; được biết kết quả xét nghiệm máu của mình (bảo đảm bí mật), được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện; yên tâm vì không phải chịu đau đớn như vẫn tưởng tượng, chỉ cần một mũi kim tiêm chích vào tĩnh mạch trong vòng 10 giây là xong. Kim và dây lấy máu vô trùng, chỉ sử dụng một lần cho một người nên không thể lây bệnh cho người hiến máu.
Để chuẩn bị cho lần hiến máu được tốt: trước khi đi hiến máu nên ăn nhẹ, mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân (giấy CMND, thẻ hiến máu nếu đã tham gia hiến máu); không uống rượu bia; buổi tối hôm trước không nên thức quá khuya; trước khi vào hiến máu cần điền đầy đủ mọi thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe vào phiếu đăng ký.
Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, tình thương và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Mỗi người có thể đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo tại các Bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ địa phương; các đoàn thể: đoàn thanh niên, hội sinh viên,… nơi mình đang sinh sống, học tập và làm việc.

 
Hồng Vân (Theo Viện Huyết học trung ương)
 

 


Ý kiến bạn đọc