Tăng cường chống lạm dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng
Việc lạm dụng kháng sinh không đúng và không phù hợp ngày càng cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện, lan rộng.
Tình trạng lạm dụng kháng sinh ngày càng cao
Tại Hội nghị tư vấn xây dựng kế hoạch hành động chống kháng thuốc diễn ra ngày 26-10, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái cho biết, việc sử dụng kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng tự phát, chuyển từ sử dụng kháng sinh sang lạm dụng kháng sinh.
Theo nghiên cứu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh năm 2009 - 2010 tại 19 bệnh viện ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng có đến 74% người bệnh dùng kháng sinh không phù hợp. Hàng năm có khoảng 440.000 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc, làm khoảng 150.000 ca tử vong. Việc sử dụng kháng sinh không đúng và không phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện, lan rộng và kéo dài. Theo Niên giám thống kê Y tế Việt Nam năm 2008 thì nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ tử vong cao thứ hai (16,7%) sau bệnh về tim mạch (18,4%).
Việc dùng kháng sinh không đúng sẽ dẫn đến hậu quả làm xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc lan rộng và kéo dài. Ảnh minh họa |
Trên thế giới hiện nay đã xuất hiện các vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ở Việt Nam, hầu hết các bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh như vi khuẩn: Klebsiella spp, Ecoli, P.aeruginosa, Acinetobacter, S.aureus. Như vậy, chỉ sau 70 năm sau khi có thuốc kháng sinh, thế giới đang phải đối mặt với khả năng một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm trùng cũng như các phẫu thuật và phương pháp điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô, bộ phận cơ thể có thể trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó kháng thuốc còn gây ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt ở bệnh nhân bị nhiễm trùng do sinh vật đa kháng (MDR). Đồng thời, các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc đặt một gánh nặng đáng kể đối với cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu. Nhiều chi phí thuốc lãng phí do sử dụng thuốc không phù hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo tương lai, các quốc gia sẽ phải đối mặt với khả năng không có thuốc điều trị hiệu quả bệnh lây nhiễm.
Cần thiết xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc
Phó Cục trưởng Cao Hưng Thái cho biết khống chế tình trạng kháng thuốc là rất quan trọng từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo khung kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc với những mục tiêu cụ thể như nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống kháng thuốc; thiết lập hệ thống giám sát về kháng thuốc và nâng cao chất lượng các cơ sở xét nghiệm vi sinh; đảm bảo tiếp cận đầy đủ với các thuốc chủ yếu có chất lượng; tăng cường sử dụng thuốc hợp lý trong điều trị cho người bệnh và trong nghề chăn nuôi; tăng cường kiểm soát các bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy các sáng kiến, nghiên cứu các công cụ mới, thuốc mới…
Bộ Y tế cũng xác định truyền thông giáo dục sức khỏe là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu vì đây là giải pháp để nâng cao nhận thức của toàn bộ cộng đồng về kháng thuốc, nguyên nhân, sự nguy hiểm của kháng thuốc. Đồng thời, vận động người dân thực hiện lời kêu gọi của WHO năm 2011 “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.
K.O (nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc