Multimedia Đọc Báo in

Bệnh tay, chân, miệng: 25% tử vong do chẩn đoán sai

11:11, 09/04/2012

Mới 3 tháng đầu năm 2012 nhưng cả nước đã có 21.295 ca mắc tay, chân , miệng (TCM), trong đó ghi nhận 16 ca tử vong. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân các ca TCM  biến chứng tử vong bên cạnh việc phát hiện trễ còn phải nói đến... lỗi của ngành Y tế.
 
Cực kỳ nguy hiểm

Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến thời điểm này, người dân vẫn tưởng TCM là bệnh truyền nhiễm thông thường và chủ quan. Tuy nhiên, nếu dựa trên số ca mắc do TCM từ đầu năm đến nay trên cả nước đã lên đến con số gần 22.000 và phủ rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã cho thấy, dịch bệnh TCM cực kỳ nguy hiểm. 

Mặc dù đã được tập huấn theo phác đồ điều trị mới và đã được các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật, song theo nhận định của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thì tỷ lệ tử vong do mắc TCM trong 3 tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn rất cao và 81,2% số ca tử vong nằm ở các bệnh viện tuyến tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, năm ngoái, sau khi xây dựng phác đồ điều trị TCM thì số ca tử vong giảm hơn một nửa. Đây là một bệnh đặc biệt xảy ra ở trẻ nhỏ, 80% ca mắc là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường diễn tiến rất nhanh nên khâu theo dõi bệnh là rất quan trọng. Cần lưu ý rằng, các khâu sai sót trong điều trị chính là năng lực của điều dưỡng. Lâu nay, việc điều trị TCM và các phác đồ mới chỉ tập huấn cho các BS nhưng lại quên rằng, vai trò của điều dưỡng trong điều trị bệnh này rất lớn. Một êkíp trực phải đảm bảo có 1 BS và 3 điều dưỡng. Đó là chưa kể đến việc bàn giao ca trực, nhiều trường hợp tử vong trong thời gian bàn giao ca trực và việc nắm bệnh của ca mới chưa kỹ.
 
Tử vong oan do chẩn đoán sai

Theo TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện 63 tỉnh thành đã có dịch bệnh TCM lây lan, trong đó 10 tỉnh có tỷ lệ mắc cao nhất là Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hòa Bình và Hậu Giang. Riêng khu vực miền Nam đã ghi nhận 9.337 ca mắc TCM (chiếm 43,8% số mắc của cả nước) và đứng đầu về số trường hợp tử vong (13 ca, chiếm 81,3% số tử vong của cả nước).

Hiện tại, điều quan ngại nhất vẫn là tỷ lệ tử vong do TCM chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó không ít trường hợp tử vong do chẩn đoán nhầm bệnh hoặc được chuyển viện không an toàn. Dẫn chứng về điều này, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Qua hồi cứu trên 141 hồ sơ bệnh án bệnh nhi tử vong do TCM năm 2011 và 12 hồ sơ bệnh nhi tử vong của 3 tháng năm 2012 cho thấy, 40/153 (26,1%) tử vong do chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, viêm phổi, hen suyễn, viêm màng não, viêm ruột, sốc nhiễm trùng, tuyến thượng thận... Thậm chí, 1/3 bệnh nhân chuyển viện không an toàn và có 2 trường hợp tử vong ngay trên đường đi.

Không những sai về chẩn đoán phát hiện bệnh, 3,9% ca tử vong đã được bệnh viện tuyến dưới phân độ bệnh TCM sai ngay từ lúc nhập viện. Ngoài ra, các nguyên nhân gây tử vong trong quá trình điều trị còn phải kể đến do các nhân viên y tế đặt nội khí quản giúp bệnh nhân thở quá trễ, hồi sức sai, sử dụng thuốc vận mạch không đúng, vẫn còn sử dụng dopanine hoặc có chỉ định milrinone nhưng không dùng, sử dụng gammaglobuline trễ...

Để giảm thiểu tử vong do TCM, Bộ Y tế đã chỉ đạo 5 đơn vị (2 đơn vị ở miền Bắc và 3 đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh) làm nhiệm vụ tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng nhi khoa ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhi tử vong cao. Bộ Y tế cũng đã làm việc với bảo hiểm y tế để thanh toán các chi phí điều trị đối với bệnh này.

Nhận định của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2012, bệnh TCM diễn biến rất phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao do: tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Bên cạnh đó, sự lưu hành của týp vi rút EV 71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc