Quả bồ kết chữa bệnh
Bồ kết còn gọi là: tạo giác, tạo giáp, chư nha tạo giác, man khét (Campuchia).
Theo tài liệu cổ thì quả bồ kết bỏ hạt hoặc đốt ra than, hoặc tán bột đều có vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc vào kinh phế và đại tràng. Tác dụng thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi (chữa trúng phong, cấm khẩu).
Liều dùng: Ngày 0,5-1gr dùng bột hoặc thuốc sắc.
Hạt bồ kết: có vị cay, tính ôn, không độc. Tác dụng thông đại tiện bí kết, chữa nhọt. Liều dùng 5-10gr dưới dạng thuốc sắc.
Sau đây là một số bài thuốc:
-Chữa kiết lỵ đã kéo dài ngày: Dùng 50gr hạt bồ kết sao vàng hơi sém. Tán bột mịn, trộn đều với cháo đặc (lượng cháo vừa đủ) rồi vo thành viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên, chia uống sáng và chiều. Buổi chiều nên uống thuốc sớm kẻo mất ngủ.
-Chữa nhức răng do vi khuẩn: Bột quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng sâu. Hễ chảy dãi thì nhổ đi, sau đó đắp thuốc, súc miệng, thải ra ngoài.
-Trường hợp bí đại tiện: Lấy 3-6gr hạt bồ kết, sắc đặc uống. Trẻ nhỏ dùng lượng ít.
-Trị chứng quai bị: Lấy vài quả bồ kết đốt thành than, tán bột, trộn với dấm thanh, nặn thành bánh đắp lên chỗ quai bị. 30 phút thay thuốc 1 lần.
-Trẻ em đầy chướng bụng: Đốt vài quả bồ kết cho khói bốc lên, hứng khói vào lá trầu không áp vào bụng trẻ. Cần tránh bỏng vì lá trầu quá nóng.
-Chữa trúng phong, cấm khẩu: Nướng chảy quả bồ kết đã bỏ hạt, nghiền thành bột. Ngày uống 0,5-1gr. Nếu sắc thì chỉ lấy vỏ quả, đun kỹ lấy nước uống.
Lưu ý: Phụ nữ có thai, người tỳ, vị hư yếu không dùng thuốc có bồ kết.
Phạm Duy (Hội Đông Y Buôn Đôn)
Ý kiến bạn đọc