Multimedia Đọc Báo in

Tăng giá các dịch vụ y tế: Có “gỡ khó” cho ngành Y tế ?

08:56, 16/04/2012

Kỳ II: Cơ hội để nâng cao chất lượng

Giữa rất nhiều khó khăn đang cần tháo gỡ thì việc tăng giá 447 dịch vụ y tế chính thức được áp dụng từ ngày 15-4 đang được mong đợi là một trong những cơ hội để ngành Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tăng giá là tất yếu

Ngày 29-2-2012, liên bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC quy định mức giá tối đa cho một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh của Nhà nước. Theo đó, từ ngày 15-4, áp dụng mức giá mới đối với 447 dịch vụ y tế (chiếm 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp), gồm: khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; khung giá một ngày giường bệnh; khung giá 445 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Cụ thể, mức tối đa của khung giá khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa từ 5.000 (khám tại trạm y tế xã) đến 20.000 đồng (khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I). Mức tối đa của khung giá một ngày giường bệnh được quy định thấp nhất từ 12.000 đồng/ngày đối với giường bệnh tại trạm y tế xã đến mức cao nhất là 335.000 đồng/ngày đối với giường bệnh điều trị Hồi sức tích cực, chưa bao gồm chi phí máy thở (áp dụng đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II). Các trường hợp nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thu tối đa 50%; trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thu tối đa 30% mức thu ngày giường điều trị nội trú đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Điểm mới của khung viện phí này là trên 50% dịch vụ chỉ quy định một mức viện phí tối đa, tránh hiện tượng quy định khung viện phí tối thiểu và tối đa, nhưng chỉ áp dụng mức tối đa như trước đây. Các dịch vụ còn lại quy định viện phí tối thiểu - tối đa, chênh lệch giữa hai mức chỉ từ 3.000 - 30.000 đồng. Bên cạnh đó, để tránh lạm dụng dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nhất là chụp CT Scanner, Thông tư 04 đã điều chỉnh dịch vụ này với những quy định rõ ràng. Nếu như trong Thông tư số 14/TTLB ngày 30-9-1995 quy định mức giá chụp CT/Scan từ 300.000 đến 1 triệu đồng (bao gồm cả thuốc cản quang) thì tại quy định mới đã có sự phân định rõ ràng là khi nào có thuốc cản quang và khi nào thì không có thuốc cản quang, cũng như quy định mức giá cụ thể. Thông tư cũng phân định cụ thể từng trường hợp siêu âm đặc thù để bảo đảm chi phí đưa ra phù hợp với dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được hưởng (trước đây, Thông tư số 14/TTLB ngày 30-9-1995 và Thông tư số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 26-1-2006 chưa phân biệt giữa siêu âm màu với các siêu âm mang tính đặc thù khác).

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc tăng giá 447 dịch vụ y tế nói trên là một đòi hỏi khách quan, bởi mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành quá thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong số khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư 14 ra đời từ năm 1995; khoảng 2.700 dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 03 từ năm 2006; đồng thời, nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30%-50% chi phí trực tiếp theo thời giá năm 1995. Trong khi đó, các yếu tố chi phí đầu vào để bảo đảm hoạt động của bệnh viện từ năm 1995 và năm 2006 đến nay đã tăng nhiều lần, tiền lương tối thiểu đã tăng 6,9 lần (từ 120.000 lên 830.000 đồng), mức đóng bảo hiểm y tế tăng (từ 3% lương lên 4,5% lương), chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố tăng khoảng 3,4 lần…

Ngoài ra, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay trên 60% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không điều chỉnh giá thì bệnh viện sẽ khó khăn về kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn.

Trợ lực để cải thiện chất lượng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tuy có tác động đến một số đối tượng trong xã hội nhưng cũng mang lại một số hiệu quả kinh tế - xã hội. Các bệnh viện sẽ có kinh phí để thực hiện dịch vụ, bảo dưỡng trang thiết bị, buồng bệnh… góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn. Đồng thời, bảo hiểm y tế thanh toán mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán.

Có thể thấy, ngoài mục tiêu tạo mức giá phù hợp với tình hình thực tiễn, việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế còn được xem là đòn bẩy góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Hầu hết các bệnh viện đều cho rằng kinh phí thấp nên hạn chế trong đầu tư trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tăng giá 447 dịch vụ y tế chưa phải là tất cả nhưng cũng thêm nguồn lực, tạo đà để phát triển. Và dù còn phải đợi câu trả lời từ thực tiễn nhưng người dân cũng khấp khởi mừng khi nhiều cơ sở y tế cho biết kèm theo việc tăng giá, đương nhiên chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak là bệnh viện hạng I, gánh trọng trách tuyến cuối của khu vực Tây Nguyên nên vấn đề nâng cao chất lượng chuyên môn càng được đặt ở vị trí hàng đầu. Theo đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1816, tăng cường đào tạo cán bộ, hy vọng sẽ có cơ hội đầu tư, thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật cao như chẩn đoán bệnh lý sọ não, cột sống, thay đĩa đệm cột sống, thay khớp háng, khớp gối tiến tới phẫu thuật tim, thay van tim… xứng đáng với vị thế một bệnh viện đa khoa vùng.

Hơn ai hết, những cán bộ y tế đang trực tiếp tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mong mỏi thời điểm Thông tư 04 chính thức có hiệu lực. Bởi theo họ, tăng giá dịch vụ y tế sẽ giải quyết được rất nhiều tồn tại trong hoạt động khám chữa bệnh, sẽ mua được những vật tư, thuốc tốt hơn để phục vụ người bệnh… Chị Nguyễn Thị Chung, điều dưỡng trưởng khoa Nội tổng quát – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết nói chung chị em làm công tác chăm sóc, phục vụ bệnh nhân rất phấn khởi vì đương nhiên giá tăng thì sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh. Và một điều quan trọng nữa là tăng giá một số dịch vụ y tế, y bác sĩ sẽ có thêm nguồn phụ cấp, cải thiện đời sống, yên tâm công tác. “Mọi người cứ thử thức trắng đêm chứng kiến cường độ làm việc của nhân viên y tế ai mới cảm thông và chia sẻ với chúng tôi…”, chị Chung nói.

(Còn nữa)

Kim Oanh – Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc