Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sốt xuất huyết “vào mùa”

05:59, 13/08/2012

Mặc dù không bùng phát mạnh như ở một số tỉnh lân cận, song bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh cũng đã có dấu hiệu tăng và tăng rõ rệt khi “mùa bệnh” đến. Ngành Y tế đã tăng cường các hoạt động giám sát dịch tễ, phòng chống SXH để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết.

Bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa cũng là thời điểm thuận lợi để bệnh SXH “hoành hành” tại các địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch SXH đang tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam với số mắc ghi nhận trung bình mỗi tuần lên đến trên 1.000 ca. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc cao nhất. Hiện trung bình mỗi tuần, địa phương này ghi nhận từ 80 – 100 ca bệnh, trong đó huyện Ninh Hòa (vùng giáp ranh với huyện M’Drak của Dak Lak) có số ca mắc nhiều nhất.. Ở tỉnh ta, diễn biến của bệnh SXH tuy không “nóng” nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng và tăng rõ rệt trong những tuần gần đây. Thống kê của ngành Y tế cho thấy, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 33 ca bệnh SXH thì hơn một tháng qua (từ đầu tháng 7 đến nay) số trường hợp mắc bệnh đã tăng gần gấp ba với 95 ca, nằm rải rác ở hầu hết các địa phương. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2012 và 2013 là những năm có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết tại địa phương, bởi đây là thời điểm dịch xuất hiện theo chu kỳ (mỗi chu kỳ thường tái xuất hiện sau từ 3-4 năm). Hiện tại  Dak Lak chưa có dịch nhưng với thực trạng số ca bệnh SXH đang tăng rất cao ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và 9 tỉnh miền Tây Nam Bộ, nếu không tăng cường các biện pháp phòng chống thì diễn biến dịch bệnh sẽ rất khó lường.

Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh đã có những động thái tích cực để khống chế bệnh SXH không bùng phát thành dịch: đẩy mạnh sự phối hợp giữa các đơn vị y tế với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống SXH; thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: giám sát véc tơ, phun hóa chất chủ động… Bác sĩ Lào cho biết thêm, nhằm phát hiện và khống chế kịp thời bệnh SXH trên địa bàn, ngành Y tế đã tăng cường giám sát mật độ côn trùng, chỉ số muỗi, bọ gậy ở tất cả các tuyến, trong đó chú trọng đến các địa bàn trọng điểm của SXH. Ngay từ đầu tháng 8, ngành đã triển khai phun hóa chất chủ động tại những vùng trọng điểm là: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Buk, Krông Ana, Cư M’gar. Ngoài ra, thực hiện phương châm “không có bọ gậy, lăng quăng, không có SXH”, song song với các hoạt động phòng chống dịch, ngành Y tế còn tăng cường vận động nhân dân tham gia vào hoạt động diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) tại gia đình và cộng đồng như làm sạch môi trường xung quanh nhà, phát quang bụi rậm để chống muỗi; loại bỏ các nơi nước ứ đọng, thường xuyên thay rửa các dụng cụ chứa nước, đậy nắp lu, bể chứa nước để muỗi không có nơi sinh sản… nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc SXH trong cộng đồng dân cư.

SXH là bệnh rất nguy hiểm vì lan truyền nhanh và làm nhiều người mắc bệnh cùng một lúc, tuy nhiên vẫn có thể ngăn ngừa nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống. Hiện bệnh SXH đang bước vào “mùa” và kéo dài đến hết tháng 11, do đó để chủ động phòng bệnh, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần biết bảo vệ mình khỏi bệnh SXH bằng việc ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, không cho muỗi phát sinh.

Những triệu chứng thường gặp của người mắc SXH

Sốt đột ngột, sốt cao và sốt liên tục từ 39 đến 40oC trong 3-4 ngày. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày rất đa dạng: chảy máu mũi, chảy máu dưới da hoặc nôn ra máu… Cũng có trường hợp người mang bệnh hoàn toàn không có triệu chứng xuất huyết. Tuy nhiên, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy kịch nhất là sốc, dễ dẫn tới tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc bệnh SXH không bao giờ được tự ý dùng thuốc kháng sinh nếu không có ý kiến của thầy thuốc. Khi phát hiện có các triệu chứng bất thường thì nên đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc