Khám sức khỏe định kỳ - Biện pháp dự phòng bệnh hiệu quả
Hiện nay, đại đa số người dân đến các bệnh viện khám bệnh khi trong người đã có bệnh; một số ít trường hợp người khỏe mạnh đi khám bệnh là để làm giấy chứng nhận sức khỏe trong hồ sơ xin việc, đi học hay thi bằng lái xe… và hầu như rất ít trường hợp đến khám sức khỏe định kỳ.
Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp dự phòng bệnh tật hiệu quả nhất. |
Trên thực tế, có những bệnh nguy hiểm nhưng diễn biến âm thầm, bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, nếu không được khám phát hiện kịp thời để đến khi biểu hiện triệu chứng điển hình thì bệnh có thể ở vào giai đoạn muộn, không điều trị được hoặc khó điều trị và có thể để lại di chứng nghiêm trọng, gây tổn thất về sức khỏe, tinh thần, kinh tế cho bản thân, gia đình và cả xã hội. Thế nhưng một số người còn coi việc khám sức khỏe là việc làm tốn thời gian và lãng phí tiền bạc trong khi cơ thể đang khỏe mạnh. Cũng do lối suy nghĩ lệch lạc này mà ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 150.000 người bị mắc các bệnh về ung thư ở giai đoạn cuối (theo tổ chức Health Brigde- Canada). Ví dụ như trường hợp của anh Trần Quang Hào, 45 tuổi, trú tại phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh bị tiểu đường đã lâu, nghĩ là uống thuốc bệnh sẽ thuyên giảm nên anh chỉ mua thuốc về nhà uống mà không đi khám sức khỏe định kỳ theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. Đến khi bị biến chứng sang suy thận anh mới hối hận vì mình quá coi thường sức khỏe. Anh chia sẻ: “Giờ đây khi cái chết sắp đến gần tôi mới cảm thấy mình từng ngày đều đáng trân trọng. Bác sĩ nói đáng ra tôi không bị nặng như thế này nếu như thực hiện đều đặn việc khám sức khỏe định kỳ. Qua thăm khám các bác sĩ sẽ kiểm soát được đường huyết và huyết áp từ đó có phác đồ điều trị phù hợp để ngăn ngừa biến chứng ở thận và làm chậm lại tình trạng suy thận…”.
Có thể nói, khám sức khỏe định kỳ là biện pháp dự phòng bệnh tật hiệu quả nhất, bởi đây là việc làm cần thiết, khoa học để giúp chẩn đoán sớm các bệnh như: tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, xơ gan… từ đó có hướng điều trị kịp thời, đồng thời sẽ được tư vấn những điều cần thiết về cách phòng tránh để giảm tỷ lệ mắc bệnh như: thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, làm việc, luyện tập thể dục, thể thao… Bên cạnh đó sự tư vấn của các nhà chuyên môn một cách kịp thời về phương pháp điều trị tốt nhất cũng sẽ hạn chế, ngăn chặn những biến chứng nặng của bệnh, giúp giữ gìn sức khỏe để chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để bảo vệ sức khỏe, nên khám kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần, để giúp chuẩn đoán, điều trị sớm, hiệu quả, hạn chế các biến chứng, di chứng trong trường hợp có mắc bệnh.
Mỹ Hạnh- Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc