Multimedia Đọc Báo in

Trên 70% bệnh nhân ung thư nhập viện muộn

16:27, 09/12/2012

Các thống kê, nghiên cứu vừa được công bố tại Hội thảo Phòng chống ung thư lần thứ XV cho thấy, chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm. Số còn lại đều được phát hiện và nhập viện ở các giai đoạn bệnh đã tiến triển xa, gây khó khăn rất lớn cho công tác điều trị.

Số liệu thống kê được cập nhật tại 5 bệnh viện (BV) gồm: BV K, BV Ung bướu Hà Nội, BV Việt Tiệp Hải Phòng và BV Trung ương Huế cho thấy, trong tổng số 51.625 bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị thì có 19.262 ca có phân loại bệnh. Đáng chú ý, có trên 71,4% số ca đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn (giai đoạn III và sau giai đoạn III). Ung thư gan ở nam giới có tỷ lệ “đến muộn” cao nhất (87,77%), kế đến là ung thư dạ dày (86,87%), ung thư phế quản, phổi giai đoạn muộn cũng chiếm 84,32%. Ở nữ giới, các loại ung thư vú, ung thư cổ tử cung tuy là hai loại ung thư có tần suất mắc cao nhất nhưng lại có tỷ lệ nhập viện ở giai đoạn muộn thấp nhất với khoảng trên dưới 50%.

Số liệu riêng tại BV K còn cho thấy tỷ lệ nhập viện muộn (giai đoạn III, IV) còn cao hơn (79%). Trái ngược với tỷ lệ chung tại các BV, tại BV K, số bệnh nhân ung thư cổ tử cung đến muộn lại chiếm tỷ lệ cao nhất với 94,5%. Theo các bác sĩ, còn một số lớn bệnh nhân có “phản ứng chậm” khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Hiện mới có 28% bệnh nhân đến BV sau 1 tháng khi có dấu hiệu bệnh, 21% đến sau 6 tháng. Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ quan và thiếu hiểu biết về các dấu hiệu báo động của bệnh. Ngay cả khi có những dấu hiệu rõ ràng thì cũng có trên 2/3 nghĩ rằng mình không bị bệnh. Đáng buồn là còn một tỷ lệ lớn chưa được nghe về ung thư và có quan niệm sai lầm về phẫu thuật ung thư, bi quan trong điều trị ung thư...

Trước thực trạng xuất độ bệnh ngày càng tăng và bệnh nhân nhập viện muộn, các chuyên gia cho rằng cần có đề xuất để áp dụng chương trình tầm soát những bệnh ung thư thường gặp cho các đối tượng trên 40 tuổi trong dân số. Đồng thời, cần có chiến lược ưu tiên và cụ thể hơn nữa cho ung thư, bởi hiện nay chúng ta đang hướng về chống bệnh nhiều hơn mà chưa coi trọng phòng bệnh. Để làm được điều này, ngoài việc phát triển, tăng độ phủ của mạng lưới phòng chống ung thư thì phải có chiến lược truyền thông hiệu quả, đưa kiến thức phòng bệnh đến rộng khắp và liên tục đến với mỗi người dân.

K.O (nguồn SK&ĐS)
 


Ý kiến bạn đọc