7 nhóm bệnh gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi có thể chữa được
Cho đến nay con người đã biết được trên 100 dạng rối loạn khác nhau; từ phản ứng phụ của thuốc cho đến nhiễm trùng đường tiểu. Phần lớn các dạng rối loạn đều có triệu chứng giống bệnh suy giảm trí nhớ nhưng có thể chữa được.
1. Bệnh giãn não thất áp lực bình thường
Bệnh giãn não thất áp lực bình thường (normal pressure hydrocephalus) thường đi kèm với dấu hiệu như: suy giảm trí nhớ, tiểu tiện không tự chủ, mất cân bằng cơ thể, tư duy và trí nhớ bắt đầu thay đổi, thiếu tập trung, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh lý động mạch ngoại vi cao hơn so với những người bình thường; ngoài ra nhóm người này còn dễ bị suy giảm trí nhớ, đặc biệt là gây bệnh alzheimer.
- Giải pháp: Nên đi khám các chuyên gia thần kinh và khám sức khỏe đầy đủ, cả thể chất lẫn tinh thần. Nên quét CT và MRT, nếu cần có thể tiến hành phẫu thuật shunt hay còn gọi là đặt shunt não thất - ổ bụng để thoát dịch ứ, nhằm giảm áp lực não và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
2. Do dùng thuốc
Theo Trung tâm Y tế, Đại học Duke Mỹ (DUMC), trong những năm qua giới khoa học phát hiện thấy nhiều loại thuốc chữa bệnh có thể gây suy giảm trí nhớ, triệu chứng gây bệnh giống như những người bị lú lẫn. Ví dụ, thuốc giảm huyết áp, thuốc chữa hen, thuốc chữa loãng xương hay trầm cảm. Những người có thâm niên uống càng nhiều thuốc chữa bệnh thì mức độ suy giảm trí nhớ càng cao.
- Giải pháp: Để hạn chế những mặt trái không mong muốn, khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thực phẩm dưỡng sinh, thuốc bổ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, đọc kỹ nhãn mác. Sau khi dùng thuốc nếu phát sinh những sự phản ứng phụ không mong muốn thì đi khám ngay để có phương án can thiệp kịp thời, nhất là đối với nhóm người cao niên, có sức khỏe hệ miễn dịch yếu.
3. Bệnh trầm cảm
Những người mắc bệnh trầm cảm và các chứng rối loạn thần kinh khác là nhóm dễ có các dấu hiệu như người suy giảm trí nhớ. Sở dĩ có những biểu hiện như nhóm người sa sút trí tuệ là vì khi bị trầm cảm, những vùng quan trọng của não đảm nhận việc xử lý trí nhớ, suy nghĩ, tâm trạng, ý thức lẫn sự ngon miệng bị suy giảm. Ngoài ra, người mắc bệnh trầm cảm còn cảm thấy buồn chán, thiếu tập trung.
- Giải pháp: Khi mắc bệnh nên đi khám bác sĩ thần kinh, tâm thần và lão khoa để biết mức độ mắc bệnh. Bệnh có thể kiểm soát được bằng thuốc, liệu pháp tâm lý, luyện tập yoga, ngồi thiền, liệu pháp nhận thức và cả sự giúp đỡ của người thân.
4. Bệnh nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu phát sinh do hệ thống miễn dịch và các cơ bàng quang suy yếu, đi tiểu không hết. Nước tiểu giữ lại, gia tăng hiện tượng viêm nhiễm, kết hợp với những thông tin do não phát đi không chính xác nên làm cho bệnh tình thêm trầm trọng. Nhầm lẫn và mê sảng chỉ là 2 dấu hiệu nhiễm trùng ở nhóm người cao tuổi khi mắc bệnh và lâu dài chứng mất trí nhớ sẽ trở nên trầm trọng hơn.
- Giải pháp: Nhằm làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ, nhóm người bị bệnh nhiễm trùng đường tiểu cần điều trị sớm bằng kháng sinh, uống nhiều nước, ăn uống cân bằng, đủ chất và nghỉ ngơi đầy đủ.
5. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp làm nhiệm vụ bài tiết hormone để giúp cơ thể hoạt động ổn định. Tuy nhiên, khi hormone tuyến giáp có quá ít hoặc quá nhiều đều không tốt, có thể tạo ra các triệu chứng giống như người suy giảm trí nhớ.
- Giải pháp: Một khi xuất hiện các dấu hiệu kể trên nên đi khám nội tiết, xét nghiệm máu để biết các thông số về tuyến giáp. Các chứng bệnh liên quan tuyến giáp có thể điều trị được bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
6. Bệnh thiếu hụt vitamin B12
Những người ăn chay, ăn kiêng để giảm cân thường có mức độ hấp thụ vitamin B12 thấp nên phát sinh thiếu máu. Hậu quả, hệ thần kinh bị tổn thương, phát sinh tình trạng tê, ngứa chân tay, tính cách thay đổi, người khó chịu, dễ bị trầm cảm và hay quên.
- Giải pháp: Nên đi khám bác sĩ, làm các xét nghiệm máu; nếu thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12 thì chỉ cần uống vitamin B12 dạng viên hoặc tiêm mỗi tháng một mũi có thể khắc phục được tình trạng này.
7. Bệnh tiểu đường
Thông thường, cơ thể con người cần tới một lượng đường nhất định (glucose) để giúp động mạch làm việc, nếu có quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng đến sức khỏe của các mạch máu đi lên não, ảnh hưởng đến sức khỏe hệ thần kinh, cuối cùng làm cho trí nhớ suy giảm, thiếu chú ý và hay quên.
- Giải pháp: Dấu hiệu suy giảm nhận thức là những điều cảnh báo về bệnh tiểu đường, ảnh hưởng tới sức khỏe của não, vì vậy khi có các dấu hiệu này cần đi khám và điều trị. Đặc biệt, cần duy trì mức đường huyết ở ngưỡng thích hợp bằng insulin dạng tiêm hay dùng thuốc. Ngoài ra, nên duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, siêng năng luyện tập, ăn uống cân bằng, đủ chất và tránh xa cuộc sống tĩnh tại với việc nằm và ngồi nhiều.
Khắc Nam
(Theo AARP - 5/2014)
Ý kiến bạn đọc