Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh bại liệt
Hiện nay, trên thế giới đã có ít nhất 10 nước ghi nhận có bệnh bại liệt và đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù bệnh bại liệt ở nước ta đã được công nhận loại trừ vào năm 2000, nhưng nguy cơ loại bệnh này có thể xâm nhập vào nước ta rất lớn.
Để chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân thực hiện, gồm: phòng bệnh chủ động cho trẻ dưới 5 tuổi bằng uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa; bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Hiện tại vắc xin phòng chống bệnh bại liệt vẫn đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Theo thống kê của Chương trình thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, tính từ đầu năm đến nay, thế giới đã ghi nhận 68 trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại (tăng 44 trường hợp so với năm 2013) tại 10 nước (Afghanistan, Cameroon, Guinea, Ethiopia, Israel, Nigeria, Pakistan, Somalia, Iraq và Syria), trong đó Pakistan ghi nhận số mắc nhiều nhất (54 trường hợp).
WHO khuyến cáo: để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại rất cần có sự hợp tác ứng phó quốc tế. Đối với các nước đang có ca bệnh, ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chặn việc lây truyền của chủng virus bại liệt hoang dại một cách nhanh nhất thông qua việc áp dụng tất cả các biện pháp phòng chống, cụ thể là các chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung (OPV), giám sát định kỳ virus và tiêm chủng.
K.O (nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc