Nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu, tay chân miệng
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa nhận định, cùng với bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Một trường hợp trẻ bị tay chân miệng điều trị tại cơ sở y tế. |
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 17.400 ca mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, bệnh tay chân miệng tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, do đó, thời gian tới, vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng. Hơn nữa, năm 2013 số ca mắc thấp, nên theo chu kỳ, khả năng tay chân miệng gia tăng là rất cao.
Cùng với bệnh sởi, tay chân miệng, PGS.TS Bùi Vũ Huy- Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đợt này, bệnh nhân bị thủy đậu cũng xuất hiện rải rác. Thời tiết năm nay gần hết tháng 4 nhưng độ ẩm vẫn còn khá cao, đây là điều kiện cho vi rút phát triển mạnh. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, khi bị thủy đậu, quan trọng nhất là chăm sóc tại nhà và hướng dẫn phụ huynh phát hiện sớm biến chứng cho con em mình.Việc đầu tiên là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu. Bởi bị thuỷ đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm lên mủ và sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong. “Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng thuỷ đậu, kể cả trẻ lớn và người lớn mà chưa miễn dịch với thuỷ đậu cũng nên chủ động đi tiêm ngừa lại để phòng bệnh, tránh nguy cơ biến chứng xảy ra dù biết rằng không phải ai cũng bị biến chứng, nhưng không ai có thể chắc chắn biến chứng không rơi vào mình”, TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo.
K.O (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc