Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi chăm sóc răng miệng bằng tăm

10:57, 28/01/2015
Từ xưa đến nay, việc chăm sóc răng miệng luôn được con người chú ý, coi trọng. Trong thực tế có rất nhiều phương pháp chăm sóc răng miệng khác nhau: súc miệng bằng nước muối, súc miệng bằng dung dịch có chứa flo, dùng bàn chải, chỉ nha khoa, dùng tăm để xỉa răng… Với bất cứ phương pháp nào cũng đều nhằm mục đích vệ sinh răng, lấy thức ăn thừa dính trong răng và giữ cho hàm răng sạch đẹp.

Chăm sóc răng bằng tăm có lẽ là cách chăm sóc răng miệng phổ biến nhất của người Việt Nam. Tăm được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như làm từ tre, nứa hoặc gỗ. Tăm được chẻ nhỏ, chặt ngắn, vót nhẵn, có khi vót hai đầu tăm nhọn và nhỏ để vừa với kẽ răng nhưng cũng có những cái tăm chỉ được chẻ nhỏ ra rất thô ráp, không an toàn, thiếu thẩm mỹ, muốn dùng được người sử dụng lại phải chẻ nhỏ hơn nữa, vót nhẵn lại. Phải khẳng định rằng chiếc tăm có mặt trong hầu hết gia đình, quán ăn lớn nhỏ của người Việt Nam. Tăm giúp cho chúng ta lấy thức ăn thừa hoặc mảng bám vào kẽ răng một cách nhanh chóng và dễ dàng, không cầu kỳ và ít tốn thời gian. Nếu dùng bàn chải đánh răng phải cần thêm cốc nước, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, nơi xả nước… và chỉ có thể đánh răng sau bữa ăn. Nếu dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn bám trong kẽ răng thì cũng không tiện khi làm chỗ đông người, giá tiền để mua một hộp chỉ nha khoa cũng đắt hơn giá mua một gói tăm... Ngược lại, chúng ta có thể dùng tăm để xỉa răng ngay trong bữa ăn khi có mảng thức ăn thừa bám trong kẽ răng, gây khó chịu cho răng và có thể xỉa răng ngay sau khi ăn.

Dùng tăm để chăm sóc răng tiện lợi như thế nhưng phải dùng như thế nào để tránh gây thương tổn cho răng, lợi mà vẫn giữ được hàm răng đều đặn? Khi dùng tăm không xỉa răng với động tác quá mạnh, hay bẻ cành cây, ngọn cỏ… để xỉa răng, đặc biệt là chọc tăm xuyên qua kẽ răng hoặc dùng những vật nhọn xỉa răng thường xuyên có thể làm mòn răng, tổn thương, nhiễm trùng nướu, gây chảy máu chân răng hoặc chảy máu lợi và sẽ làm hở kẽ răng ngày càng rộng tạo thêm cơ hội cho thức ăn mắc vào kẽ răng nhiều hơn và dễ dàng hơn. Đó là chưa kể việc dùng tăm có khi còn bị gãy kẹt trong kẽ răng hoặc cắm vào lợi, kẹt trong xương ổ răng làm nhiễm khuẩn. Việc dùng tăm xỉa răng nhiều khi còn gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, đã có những trường hợp trẻ nghịch tăm, ngậm tăm trong miệng và bị tăm trôi vào bụng hoặc tăm xiên vào lợi… Không chỉ với trẻ nhỏ, ngay cả người lớn đã có nhiều trường hợp sau khi xỉa răng xong không vứt tăm đi mà cứ ngậm trong miệng, hậu quả là tăm đâm thủng lợi, hay có trường hợp vừa ngậm tăm vừa uống nước làm tăm trôi xuống ruột gây thủng ruột. Có bậc cha mẹ ngậm tăm trong lúc bế trẻ đã khiến chiếc tăm gây chấn thương mặt, mắt trẻ, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ…

Bên cạnh sự tiện dụng và thuận lợi mà chiếc tăm mang lại cho người sử dụng, ngoài việc dùng tăm để chăm sóc răng thì trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng thường dùng tăm để ăn trái cây, bánh… Khi dùng tăm các bậc cha mẹ cần phải cẩn thận và để mắt tới trẻ vì tính hiếu kỳ  trẻ nhỏ lấy tăm nghịch ngợm và bắt chước người lớn xỉa răng, ăn bánh... không may gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc