Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác dịch sởi và thủy đậu trong dịp Tết

17:12, 13/02/2015

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay bệnh sởi đang diễn biến phức tạp.

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó có 35 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các ngành tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu. Đồng thời, bố trí đơn vị thu nhận người bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt tại khoa truyền nhiễm và các đơn vị cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định sởi; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần thiết theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Đặc biệt, các đơn vị cần tổ chức tuyên truyền phát hiện bệnh sởi và hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc bệnh sởi nhẹ tại nhà và các cơ sở y tế tuyến xã, phường; chỉ đưa bệnh nhân đến BV tuyến trên các trường hợp bệnh nặng.

Tiêm phòng cho trẻ
Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh sởi và thủy đậu.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, những ngày qua, nhiều trẻ em mắc bệnh thủy đậu phải nhập viện có phần tăng đột ngột. Đặc biệt, số ca mắc thủy đậu nhập viện có thời điểm bằng lúc cao điểm nhất của mùa thủy đậu năm 2014. Điều đáng lo ngại là thời điểm hiện tại chưa phải là mùa của bệnh này, nhưng đã có nhiều trẻ bị biến chứng. Vì vậy, các nhà chuyên môn dự báo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ bệnh sẽ bùng phát vào thời gian tới (từ tháng 3-tháng 5 là mùa thủy đậu).

Trước thực tế này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo cha mẹ chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi và hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày, từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Để bệnh nhân nằm phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là một bệnh cấp tính. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày.

K.O (chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc