Multimedia Đọc Báo in

Những thầy thuốc của buôn làng

09:19, 25/02/2015

Dù công tác ở những nơi khác nhau, nhưng những y bác sĩ trẻ tuổi ấy đều có chung một bầu nhiệt huyết là được đem sức mình giúp đỡ cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Với họ, việc tìm đến và gắn bó với các buôn làng chỉ bởi một lý do hết sức giản đơn - ở nơi ấy mọi người đang cần mình…

Người con của buôn làng

Không sinh ra, lớn lên ở vùng biên đầy nắng gió, nhưng từ nhiều năm nay, Trung úy, y sĩ Đặng Quang Bắc ở Đồn Biên phòng Sêrêpôk đã được bà con buôn Drang Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) coi như người thân trong nhà, bởi sự chân tình mà người lính ấy giành cho dân. 

Vốn đã gắn bó với bà con buôn Drang Phôk từ năm 2004, khi hoàn thành nhiệm vụ ở vùng biên được rút về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, người chiến sĩ trẻ Đặng Quang Bắc vẫn đau đáu nỗi niềm chưa làm được gì nhiều cho người dân vùng biên, cuộc sống vốn đang rất khó khăn. Rồi cơ hội cũng đến, sau khi hoàn thành khóa đào tạo y sĩ quân y, năm 2012 trở lại đơn vị đúng lúc phòng khám Quân dân y kết hợp ở buôn Drang Phôk thành lập, không ngần ngại anh xung phong trở lại vùng biên làm nhiệm vụ phụ trách phòng khám chăm sóc sức khỏe cho người dân. Phòng khám được hình thành với điều kiện khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, thầy thuốc lại là người từng gắn bó khi xưa nên bà con buôn Drang Phôk rất phấn khởi, tin tưởng và thường xuyên lui tới phòng khám để vừa được khám bệnh vừa gặp gỡ với người con đã nhiều năm không gặp. Ai có bệnh tìm đến đều được y sĩ Bắc thăm khám tận tình, trước khi ra về còn được hướng dẫn, dặn dò chu đáo cách uống thuốc, cách chăm sóc sức khỏe. Niềm tin cứ thế nhân lên, người dân tìm tới phòng khám để khám chữa bệnh ngày một nhiều, những tập quán chữa bệnh lạc hậu cũng từ đó giảm dần.

Từ khi thành lập đến nay, bình quân mỗi năm, phòng khám tiếp nhận khám và điều trị, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 1.500 lượt bệnh nhân; tổ chức tiêm phòng cho trẻ theo lịch tiêm chủng đạt tỷ lệ trên 98%. Ngoài ra, trong thời điểm mùa mưa, để phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt rét, phòng khám còn phối hợp các cơ quan chuyên môn của địa phương tiến hành tẩm màn, phun thuốc phòng chống dịch cho 100% hộ dân trong buôn… Không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân trong vùng, hằng ngày, y sĩ Bắc lại tranh thủ thời gian đến thăm các gia đình trong buôn để khám bệnh cho người già, vận động bà con giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, rồi hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Với những người già neo đơn, anh sẵn sàng làm giúp mọi công việc, từ chẻ củi, nấu cơm, dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh nhà cho đến thăm khám bệnh lúc trái gió trở trời. Đặc biệt, hễ nghe báo tin nhà ai có người bị đau không đến phòng khám được thì dù đêm hôm, mưa gió anh cũng đến nhà ngay để khám bệnh kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nặng, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh sẵn sàng góp tiền để người bệnh có điều kiện lên tuyến trên điều trị… 

Y sĩ Đặng Quang Bắc hướng dẫn chị em trong buôn cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Y sĩ Đặng Quang Bắc hướng dẫn chị em trong buôn cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Những việc làm đầy ắp tình người của y sĩ Bắc đã làm cảm kích lòng người, nhưng với anh đó là những công việc rất đỗi bình thường. Anh chia sẻ: “Lâu nay tôi đã coi buôn Drang Phôk là gia đình, bà con trong buôn là người thân của mình. Cuộc sống nơi vùng biên này còn nhiều khó khăn lắm, nên làm được điều gì tốt cho gia đình, người thân của mình thì tôi luôn sẵn lòng”. Giờ đây, đi khắp buôn Drang Phôk, hỏi ai về Trung úy Đặng Quang Bắc đều nhận được những lời khen ngợi hết lời. Ông Y Chrim Byă, một người già của buôn cho biết: “Từ ngày ở buôn có phòng khám, có chú Bắc, bà con chúng tôi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bản thân tôi, nhờ chú Bắc “bắt” bệnh đã tìm ra bệnh đau thần kinh tọa để điều trị, đến nay bệnh cũng thuyên giảm nhiều”. Còn với già làng Ama Xí thì Trung úy Bắc chẳng khác nào đứa con thân thuộc trong nhà. Già kể: “Bộ đội Bắc tốt với người dân buôn mình lắm. Mỗi lần đến thăm già, thấy trong nhà có việc nặng nhọc là nó lại “xắn tay” vào làm. Rồi nó còn kiểm tra sức khỏe cho già nữa và đưa thuốc dặn già phải uống đúng liều để bệnh mau khỏi. Nó còn bảo, sức khỏe của người già quan trọng lắm, khi nào già thấy mệt trong người, không đến phòng khám được thì cứ nhờ người báo tin nó sẽ xuống khám ngay”.

Hạnh phúc khi mang lại nụ cười cho người bệnh nghèo 

Tôi gặp bác sĩ Nguyễn Sĩ Toàn Phong (khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trong lần anh tham gia hành trình khám chữa bệnh từ thiện cho người dân ở một xã biên giới của tỉnh. Trời đã xế trưa nhưng bác sĩ Phong vẫn miệt mài làm việc, hết khám bệnh, kê toa thuốc lại quay sang tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cho người dân. Có lẽ, do người bệnh đang chờ khám bên ngoài còn khá đông nên anh cũng như các đồng nghiệp khác chẳng còn nhớ đến giờ cơm trưa đã qua từ lâu dẫu cả buổi sáng chỉ “lót bụng” bằng một ổ bánh mì lúc xuất phát ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với suy nghĩ “mình còn trẻ thì phải biết tận dụng sức trẻ để làm những việc có ích cho mọi người” nên dù mới về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa đầy 2 năm nhưng bác sĩ Phong đã là thành viên quen thuộc trong những chuyến đi khám chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh.

Đến bây giờ bác sĩ Phong không còn nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chuyến đi như thế, nhưng có một điều anh biết rất rõ là sau những chuyến đi ấy, anh thấy mình như trưởng thành hơn, tự tin hơn và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Anh chia sẻ: “Mình còn trẻ, lại chưa xây dựng gia đình nên ngoài những giờ làm việc tại khoa thì thời gian còn lại cũng không bận rộn lắm. Vì thế, khi biết Hội Thầy thuốc trẻ tổ chức các hành trình về với vùng sâu, mình đã tình nguyện tham gia với mong muốn được học hỏi thêm những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và đóng góp sức mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó khăn. Tham gia mỗi chuyến đi là niềm hạnh phúc, bởi thành quả thiết thực nhất chính là sức khỏe, sự bình an của người bệnh, nhất là người bệnh nghèo”.

Bác sĩ Nguyễn Sĩ Toàn Phong khám bệnh cho trẻ em ở xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn).
Bác sĩ Nguyễn Sĩ Toàn Phong khám bệnh cho trẻ em ở xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Luôn nghĩ mình là một bác sĩ trẻ mới vào nghề thì cần phải học hỏi và cống hiến nhiều hơn nên dù làm việc ở môi trường nào anh cũng luôn nỗ lực không ngừng. Công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, một trong những khoa có số lượng bệnh nhân đông nhất của bệnh viện, ngoài những khó khăn chung của các y bác sĩ trong khoa là áp lực quá tải công việc do số trẻ vào khoa điều trị mỗi ngày đều vượt 200-300% so với chỉ tiêu thực tế, bác sĩ Phong còn có khó khăn riêng là không có nhiều kinh nghiệm thực tế trong chăm sóc trẻ. Để vượt qua, anh đã giành thời gian đọc tài liệu, tìm hiểu tâm lý trẻ nhỏ để vận dụng vào thực tiễn. Với những kiến thức tích lũy được và trên hết là lòng yêu thương trẻ nhỏ, bác sĩ Phong đã góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều ông bố, bà mẹ khi cứu con họ thoát khỏi cơn nguy kịch. Không những thế, trong những chuyến đi khám chữa bệnh tại cộng đồng, anh còn giúp nhiều ông bố, bà mẹ phát hiện ra căn bệnh tim bẩm sinh ở con trẻ và giới thiệu đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, bảo vệ tính mạng. 

Ghi nhận những đóng góp ấy, mới đây, bác sĩ Nguyễn Sĩ Toàn Phong và y sĩ Đặng Quang Bắc đã được vinh danh “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác - tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng tỉnh Dak Lak năm 2014”. Có lẽ, phần thưởng này sẽ là nguồn động lực, cổ vũ họ tiếp tục cống hiến sức trẻ cho công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc