Multimedia Đọc Báo in

7 lời khuyên của bác sĩ về phòng chống ung thư phổi

08:02, 15/08/2015

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là căn bệnh giết người thầm lặng với hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi phi tế bào nhỏ. Mỗi loại phát triển và lây lan theo những cách riêng biệt nên được điều trị khác nhau. Dưới đây là 7 cách phòng chống căn bệnh này do các chuyên gia tạp chí Ung thư phổi (LCO) Mỹ khuyến cáo.

1. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi (khoảng 80-90%). Vì vậy sẽ không bao giờ là quá muộn để bỏ hút thuốc lá. Đối với nhóm người đã được chẩn đoán mắc bệnh thì nên ngừng hút thuốc để kéo dài tuổi thọ và hạn chế nhiều chứng bệnh nan y khác. Xác suất một người hút thuốc bị ung thư phổi phụ thuộc vào độ tuổi khi bắt đầu hút, thời gian hút, lượng thuốc hút trong ngày và mức độ hít phải khói thuốc.

2. Kiểm tra mức phát xạ radon trong nhà

Radon là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi ở người không hút thuốc và là nguyên nhân thứ hai dẫn đến ung thư phổi nói chung. Đây là một loại khí không mùi do phân rã uranium tự nhiên trong đất, đá sỏi, có thể làm tổn hại phổi và dẫn đến ung thư. Những người làm việc trong hầm lò, có thể tiếp xúc với khí radon. Tại nhiều nơi trên thế giới nồng độ radon đã được tìm thấy trong nhà rất cao nên có vùng được mệnh danh là vùng tử thần. Hiện nay ngoài thị trường có bán bộ dụng cụ để đo khí radon trong nhà.

3. Hãy thận trọng với môi trường sống và làm việc

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết, trên thị trường thế giới hiện có khoảng 84.000 loại hóa chất được dùng trong các sản phẩm phục vụ con người nhưng chỉ 1% được kiểm nghiệm an toàn, điều này cho thấy hóa chất đang bị thả nổi, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường lẫn sức khỏe con người. Ước tính có đến 29% số ca ung thư phổi ở nam giới liên quan đến phơi nhiễm các chất gây ung thư tại nơi làm việc và tại gia như khói thuốc lá, hóa chất… Riêng tại gia đình, nguồn bệnh rất đa dạng như radon có trong đất, các loại hóa chất trong các sản phẩm dân dụng, chất tẩy rửa, chất làm sạch phương tiện xe cộ, gara, nước rửa chén bát, khói từ đốt gỗ, than tổ ong… Vì vậy, khi sử dụng các sản phẩm này cần đọc kỹ nhãn mác, nếu có thể nên sử dụng các sản phẩm thân thiện để thay thế.

4. Tránh xa thuốc lá thụ động

   Hút thuốc lá thụ động (Secondhand smoke) có nghĩa người không hút hít phải khói thuốc người hút phả ra. Vì vậy, sống với người hút thuốc lá nguy cơ mắc ung thư phổi tăng 20-30% so với nhóm người không hút thuốc lá thụ động. Vì lý do nói trên, mọi người nên ngưng hút thuốc càng sớm càng tốt, vừa tiết kiệm tiền lại có lợi cho cả những người thân do giảm bệnh, trong đó có ung thư phổi. Theo nghiên cứu, cả hai nhóm người hút thuốc, nếu bỏ thuốc trên 10 năm thì nguy cơ mắc bệnh giống như người không hút thuốc lá bao giờ.

5. Duy trì cuộc sống vận động

Theo nhiều nghiên cứu, duy trì cuộc sống vận động, hạn chế nằm nhiều, ngồi nhiều rất tốt cho sức khỏe nói chung. Ngay cả khi luyện tập thể dục vừa phải hay làm vườn tần suất 2 lần/tuần cũng có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Đây là việc làm đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại có hiệu quả cao.

6. Ăn uống cân bằng, khoa học

Một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học rất có lợi cho sức khỏe, trong đó có sức khỏe phổi, nên trọng tâm tới thực đơn giàu trái cây, rau xanh, nhất là nhóm có màu sắc đậm, như rau bina (chân vịt), bông cải xanh, hành tây, táo đỏ, cà chua, cam và bí ngô, thực phẩm dạng hạt... Ngược lại, thực phẩm giàu phốtphát vô cơ, có trong thịt và pho mát chế biến quá kỹ lại có thể tăng ung thư phổi. Nên tăng cường dùng trà xanh, bởi đồ uống này có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào ở nhóm nghiện thuốc lá. Vừa bỏ thuốc lá lại tăng cường dùng trà xanh sẽ có lợi, song không phải dùng trà xanh mà hút thuốc vô tội vạ được. Ngoài ra, cũng nên hạn chế đồ uống có cồn. Đối với nam giới, nếu nghiện rượu sẽ gia tăng ung thư phổi, tuy nhiên, nếu dùng điều độ rượu vang lại có tác dụng tích cực.

7. Hãy cảnh giác với các chất bổ sung

Quảng cáo các loại thuốc bổ, thực phẩm dưỡng sinh quá mức dễ làm cho dư luận cả tin, hiểu lầm cho rằng các chất bổ sung dinh dưỡng có lợi trong phòng chống ung thư phổi. Theo nghiên cứu cho thấy, một số chất bổ sung lại làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi do phần lớn giàu beta-carotene, retinol, lutein và vitamin E. Nếu muốn bổ sung dinh dưỡng, nhất thiết phải qua tư vấn bác sĩ để phòng ngừa rủi ro, bởi lạm dụng nhóm thuốc bổ, thực phẩm dưỡng sinh đôi khi “lợi bất cập hại” làm tăng bệnh mà người trong cuộc không biết.

Nguyễn Khắc Nam

(Theo Lungcancer- 8/2015)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.