Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với rượu kém chất lượng

06:52, 27/09/2015
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại rượu tự nấu, rượu tự pha kém chất lượng, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, là hiểm họa đối với sức khỏe người sử dụng.

Theo báo cáo của Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh, các loại rượu trắng trên thị trường đa số có chỉ số andehyt (hóa chất dùng trong quá trình sản xuất nhựa, phẩm màu, nước hoa và dược phẩm, nếu có nhiều trong rượu sẽ gây mù mắt) vượt quá quy định (khoảng 95,6%); Methanol không đạt chiếm tỷ lệ 44%. Đa số các sản phẩm rượu được sản xuất tại các cơ sở có quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình, bằng phương pháp nấu thủ công sau khi ủ lên men vi sinh Trung Quốc, men cổ truyền… Việc nấu rượu tự phát tại gia đình khiến công tác kiểm soát vấn đề vệ sinh trong sản xuất và lưu thông phân phối các sản phẩm rượu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa có ý thức bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và sử dụng dẫn đến tình trạng các loại rượu kém chất lượng vẫn lưu thông tự do trên thị trường.

Rượu kém chất lượng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, trí tuệ và tinh thần của người uống. Vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc rượu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong các yếu tố bị tác động bởi rượu kém chất lượng thì hệ thần kinh trung ương là cơ quan bị tổn thương nặng nề nhất. Khi lạm dụng rượu, sự phán đoán, tính tự chủ và ý thức đạo đức bị ức chế hoàn toàn khiến người uống không làm chủ được bản thân. Đáng sợ nhất là rượu gây nhiễm độc cho não khiến khả năng nhận thức, ghi nhớ của não bị giảm sút nhanh chóng. Các cơ quan dạ dày, gan, thận, tim đều bị rượu hành hạ, dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan, suy tim, suy thận… Ngoài ra, người say rượu còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình.

Nghiện rượu là tình trạng uống nhiều và thường xuyên, lượng rượu đòi hỏi mỗi lần uống ngày một tăng dần, và khi chỉ hơi thiếu rượu đã gây ra rất nhiều các triệu chứng: tim đập nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn, run rẩy chân tay, bứt rứt khó chịu, rối loạn giấc ngủ. Nặng hơn còn có những cơn co giật kiểu động kinh, các ảo giác về thị giác, thính giác. Tình trạng nghiện rượu kéo dài sẽ làm thay đổi nhân cách, sa sút tâm thần ở người nghiện, ích kỷ, không quan tâm đến gia đình, thiếu trách nhiệm trong công việc, giảm sút về đạo đức…, cuối cùng có thể đưa đến chứng loạn thần kinh do rượu.

Bệnh nhân tâm thần do rượu ngày càng tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hằng năm có trên 120 ca điều trị tâm thần nguyên nhân loạn thần do rượu, chiếm từ 18-20% tổng số bệnh nhân tâm thần được điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xu hướng nhập viện do ngộ độc rượu ngày càng tăng, nhất là những dịp lễ tết, các bệnh nhân vào khoa đều trong tình trạng hôn mê sâu, co giật… Bệnh nhân bị ngộ độc rượu nếu cấp cứu muộn thường khó chữa trị, có thể tử vong, số cứu sống được cũng để lại di chứng nặng nề.

Để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng nên cẩn trọng đối với loại thức uống có cồn gây nghiện này. Không nên lạm dụng và sử dụng rượu không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác. Không để xảy ra tình trạng nghiện rượu, nếu đã nghiện phải cố gắng cai rượu càng sớm càng tốt. Công việc này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hết mình của bản thân, cùng với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Trong trường hợp cần thiết, người nghiện rượu có thể được nhập viện để cai rượu bằng thuốc, các biện pháp y học bảo đảm an toàn và hiệu quả cho người cai rượu.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc