Multimedia Đọc Báo in

Điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone

Giải pháp an toàn, hiệu quả

08:12, 19/09/2015

Đắk Lắk đang tiến hành triển khai đưa vào hoạt động 3 cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng phương pháp dùng thuốc thay thế Methadone. Đây là một tin vui đối với những người nghiện chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh bởi cai nghiện với phương pháp này không những mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân mà còn giảm bớt những hệ lụy cho cộng đồng xã hội…

Những ưu điểm khi dùng chất thay thế Methadone để điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Các chất dạng thuốc phiện (CDTP) như thuốc phiện, morphin, heroin là những chất gây nghiện mạnh (gây khoái cảm mạnh); thời gian tác dụng nhanh nên ở người bệnh nhanh chóng xuất hiện triệu chứng nhiễm độc hệ thần kinh trung ương; thời gian bán hủy ngắn do đó phải sử dụng nhiều lần trong ngày và nếu không sử dụng lại sẽ bị hội chứng cai. Vì vậy, người nghiện CDTP (đặc biệt heroin) luôn dao động giữa tình trạng nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và tình trạng thiếu thuốc (hội chứng cai) nhiều lần trong ngày, là nguồn gốc dẫn họ đến những hành vi nguy hại cho bản thân và những người khác.

Methadone là một CDTP tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các CDTP khác (đồng vận) nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài (trung bình là 24 giờ) nên chỉ cần sử dụng 1 lần trong 1 ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài. 

Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone  ở 46 - Hoàng Diệu - TP. Buôn Ma Thuột.
Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở 46 - Hoàng Diệu - TP. Buôn Ma Thuột.

Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, được sử dụng theo đường uống, dưới dạng siro nên giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C, đồng thời giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hòa nhập cộng đồng.

Vì vậy,  triển khai điều trị bằng Methadone được xem là một phương pháp hữu hiệu mang lại nhiều lợi ích và hạn chế nhiều hệ lụy cho cả người nghiện lẫn xã hội: hạn chế tình trạng lây nhiễm các bệnh nguy hiểm qua đường máu, giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, không còn quá phụ thuộc vào heroin, ma túy mà ngược lại còn yên tâm làm việc bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình cũng như giảm nguy cơ phạm pháp, ổn định trật tự an toàn xã hội... Mặt khác, cai nghiện bằng Methadone thường nhẹ nhàng hơn so với một số cách cai nghiện khác bởi người nghiện không phải vật vã đau đớn khi “đói” thuốc mà thay vào đó là sự thích ứng dần dần với Methadone nên người nghiện dễ chấp nhận việc cai nghiện và ít khi bị tái nghiện do Methadone làm giảm dần sự thèm muốn ma túy. Tuy nhiên, Methadone chỉ có tác dụng với những người nghiện heroin, không có tác dụng với người nghiện loại ma túy tổng hợp, như thuốc lắc, ma túy đá… Phương pháp điều trị bằng thuốc thay thế Methadone được thực hiện ở Việt Nam từ năm 2008 và hiện chương trình đã được triển khai ở 46 tỉnh, thành phố với 170 cơ sở.

Quy trình làm thủ tục điều trị đơn giản, thuận tiện cho người nghiện

Bác sĩ Đào Kim Hảo, Trưởng Khoa Điều trị thay thế nghiện các CDTP ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Thủ tục và điều kiện để bệnh nhân là người nghiện CDTP được điều trị rất đơn giản. Trước hết, bệnh nhân phải viết đơn xin tự nguyện tham gia điều trị (cơ sở không chấp nhận bất cứ hình thức ép buộc hay đăng ký thay người bệnh). Người bệnh phải chứng minh được thân thế, địa chỉ rõ ràng (Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, tạm trú…). Tiếp đến, phòng khám sẽ tiến hành các thủ tục: Tư vấn, xét nghiệm, khám bệnh nhằm: Xác định được tình trạng và mức độ lệ thuộc CDTP của người bệnh, các bệnh lý kèm theo, các yếu tố tâm lý, xã hội ảnh hưởng đến quá trình điều trị, các vấn đề cấp bách về sức khỏe và tâm lý, xã hội của người bệnh cần phải giải quyết.  Đối với các bệnh nhân nghiện các dạng ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, không thuộc đối tượng để điều trị bằng chất thay thế Methadone.

Các bệnh nhân mắc các chứng như: Dị ứng với Methadone và các tá dược của thuốc. Các bệnh gan nặng, bệnh gan mất bù. Suy hô hấp nặng, hen cấp tính, chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, viêm loét đại tràng, co thắt đường tiết niệu và đường mật. Các rối loạn tâm thần nặng mà chưa được điều trị ổn định: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát. Đang điều trị bằng thuốc đồng vận, đối vận, hoặc vừa đồng vận vừa đối vận với CDTP (LAAM, naltrexone, buprenorphine)… đều không thuộc diện dùng thuốc thay thế Methadone.

Qua kết quả khám bệnh, xét thấy bệnh nhân đủ điều kiện thì cơ sở sẽ tiếp nhận điều trị và hàng ngày bệnh nhân đến uống thuốc theo y lệnh của bác sĩ. Mỗi ngày chỉ đến một lần, vào bất kỳ giờ nào thuận tiện, uống thuốc tại chỗ xong có thể yên tâm đi làm việc, sinh hoạt bình thường suốt cả ngày. Cơ sở hoạt động liên tục tất cả các ngày trong năm, không nghỉ lễ, tết vì vậy bệnh nhân yên tâm được điều trị liên tục, không lo bị ngắt quãng nguồn thuốc.

Liều Methadone phải phù hợp với từng người bệnh dựa trên nguyên tắc bắt đầu với liều thấp, tăng từ từ và duy trì ở liều đạt hiệu quả. Điều trị bằng thuốc Methadone là điều trị duy trì lâu dài, thời gian điều trị phụ thuộc vào từng người bệnh nhưng không dưới 1 năm. Điều trị bằng thuốc Methadone cần phải kết hợp với tư vấn, hỗ trợ về tâm lý xã hội, các dịch vụ chăm sóc và điều trị y tế khác khi có chỉ định để điều trị đạt hiệu quả cao. Mọi thông tin về người bệnh được bảo mật, người đứng đầu cơ sở điều trị chỉ cung cấp thông tin về người bệnh cho các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu hoặc cho người khác biết khi được sự đồng ý của người bệnh.

Những vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện

       Đầu năm 2015, ông Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh phấn khởi thông báo: Đắk Lắk đang triển khai thành lập 3 cơ sở điều trị cai nghiện CDTP bằng chất thay thế Methadone ở 3 “điểm nóng” là Buôn Ma Thuột, Ea H’leo và Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Đây sẽ là giải pháp tốt giải quyết được nhiều hệ lụy cho cộng đồng xã hội . Theo kế hoạch thì năm 2015 sẽ có khoảng 400 người nghiện (250 người ở TP. Buôn Ma Thuột và 150 người ở huyện Ea H’leo) được sử dụng thuốc thay thế Methadone. Nhưng cho mãi tới tháng 9 năm 2015 vẫn chưa có cơ sở nào được chính thức hoạt động. Tìm hiểu về vấn đề này, đựợc biết:  Mặc dù các cơ sở đều đã có địa điểm cụ thể, có cơ cấu nhân lực đầy đủ nhưng do chưa được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động nên chưa thể nhận thuốc từ Cục Phòng chống HIV/ AIDS về điều trị cho bệnh nhân. Mà nguyên nhân cơ sở chưa được cấp phép là do chưa đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng. Nhưng lý do chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị lại do chưa có kinh phí… Cứ thế, luẩn quẩn mãi vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Hy vọng, trong những tháng cuối năm 2015, những vướng mắc này sẽ sớm được các cơ quan chức năng giải quyết để các cơ sở điều trị cai nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế Methadone được đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của đông đảo bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, những người nghiện các CDTP trên địa bàn tỉnh có thể đến các cơ sở dưới đây để được tư vấn, khám sức khỏe và điều trị bằng thuốc thay thế Methadone:

1. Cơ sở: Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở 46 - Hoàng Diệu - TP. Buôn Ma Thuột.

2. Khoa: Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo.

3. Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Đắk Lắk (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc).

 Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.