Hiệu quả từ việc ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị cho người bệnh ở Bệnh viện Mắt Tây Nguyên
Từ cuối năm 2014 đến nay, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên đã ứng dụng nhiều phương pháp mới vào khám và điều trị tật khúc xạ, giúp nhiều người bệnh trên địa bàn được tiếp cận với phương pháp điều trị mới, hiện đại mà không phải đi xa. Trong đó phải kể đến là kỹ thuật Orthokeratology (Ortho-K) và mổ Lasik.
Phẫu thuật Lasik là một phẫu thuật dùng tia laser để làm thay đổi cấu trúc của giác mạc từ đó điều chỉnh lại khúc xạ mà người bệnh đang mắc phải giúp họ không phải lệ thuộc vào kính thuốc như khi chưa điều trị. Ưu điểm của nó là không đau, thời gian phẫu thuật cực ngắn (từ 30 giây đến 1 phút), hiệu quả ngay trong 24 giờ sau phẫu thuật... Tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, kỹ thuật này do các bác sĩ đến từ Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện bằng hệ thống máy hiện đại với quy trình phẫu thuật được giám sát nghiêm ngặt theo quy trình chuẩn từ khâu tiền phẫu tới quá trình phẫu thuật và hậu phẫu. Đặc biệt tại khâu tiền phẫu, tất cả bệnh nhân đều được khám, xét nghiệm kỹ càng các chỉ số của cơ quan thị giác, được tư vấn về những ưu, nhược điểm của phương pháp mổ Lasik, cũng như cách chăm sóc mắt sau mổ. Điều đáng nói, khi triển khai phương pháp mổ Lasik, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên còn thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí cho người bệnh. Theo đó, với mỗi ca phẫu thuật, bệnh nhân chỉ phải trả mức phí là 9 triệu đồng, thấp hơn so với giá dịch vụ tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh từ 1,5 - 2 triệu đồng, giúp người bệnh thấy hài lòng hơn. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân Phan Huy Phát (18 tuổi, trú tại 188 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) bị cận thị, thường xuyên phải đeo kính thuốc và luôn thấy mất tự tin khi chơi thể thao, học võ. Tháng 6 vừa qua, Phát đã phẫu thuật Lasik tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, đến nay thị lực phục hồi hoàn toàn 20/20. Phát chia sẻ: “Khi chuẩn bị làm phẫu thuật em thấy hơi lo lắng, nhưng phẫu thuật diễn ra rất nhanh, không đau và thị lực phục hồi hoàn toàn sau một ngày nên em thấy rất yên tâm. Sau mổ, mắt hơi cộm và khô, các bác sĩ và điều dưỡng hướng dẫn em nhỏ nước mắt nhân tạo để chăm sóc mắt, nhờ vậy cảm giác khó chịu qua nhanh. Giờ đây, với đôi mắt khỏe mạnh, em thấy rất tự tin khi sinh hoạt cũng như tham gia các hoạt động vui chơi”.
Song song với việc triển khai kỹ thuật mổ Lasik, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên cũng đã triển khai Kỹ thuật Ortho-K (tạo hình giác mạc) điều trị tật khúc xạ ở trẻ em. Đây là phương pháp điều trị không phẫu thuật, không xâm lấn nhằm khử độ cận giúp người mắc tật khúc xạ không còn phụ thuộc kính gọng hay kính áp tròng.
Một ca phẫu thuật thay đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Mặt Tây Nguyên. |
Phương pháp này sử dụng kính tiếp xúc cứng thấm khí đeo trong lúc ngủ để điều chỉnh hình dạng giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị. Kính Ortho-K sẽ làm giảm áp lực thủy tĩnh trong lớp nước mắt giữa kính áp tròng và mắt để nắn chỉnh dần dần lớp tế bào trên bề mặt của giác mạc (lớp biểu mô) dẫn đến thay đổi độ cong bề mặt, qua đó thay đổi độ hội tụ của mắt. Khi điều trị theo phương pháp này, bệnh nhân sẽ đeo kính áp tròng vào ban đêm giúp định hình lại giác mạc tạm thời để điều trị tật khúc xạ. Đến khi thức dậy, tháo kính ra, bệnh nhân có thể nhìn mọi thứ rõ ràng như mắt bình thường. Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt Tây Nguyên cho biết: “Với trẻ em, phương pháp điều trị bằng Ortho-K được xem là hữu hiệu nhất, bởi nó giúp các em có thể thoát khỏi việc đeo kính gọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập; làm chậm và có khả năng ngăn chặn cận thị tiến triển ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Quan trọng nhất là phương pháp này không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và cấu trúc của giác mạc, chỉ cần ngưng đeo kính áp tròng, giác mạc sẽ trở về hình dạng ban đầu như trước khi điều trị trong vòng vài ngày”. Tham gia điều trị bằng phương pháp này, điển hình như trường hợp của em Nguyễn Trần Minh Lộc, 14 tuổi (ở đường Lê Đại Hành, TP. Buôn Ma Thuột), bị cận thị, mắt lại tăng độ quá nhanh (năm lớp 8 cận 3,75 độ đến năm lớp 9 tăng lên 6 độ). Sau khi đến khám tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, em được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị là đeo kính Ortho-K. Sau một tháng điều trị liên tục theo phương pháp này, đến nay, 2 mắt của em đã giảm độ rõ rệt (một mắt giảm từ 6 độ xuống còn 1,5 độ, mắt kia đã bình phục 10/10). Không chỉ riêng em Lộc, khá nhiều gia đình trên địa bàn đã lựa chọn điều trị cận thị cho con bằng kính Ortho-K tại bệnh viện và tất cả các trường hợp này đều đạt hiệu quả, không chỉ sinh hoạt, học tập và vui chơi không cần phụ thuộc vào kính, mà khả năng tiến triển cận thị ở mắt cũng chậm lại.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc