Multimedia Đọc Báo in

9 dấu hiệu "tố" bệnh trên cơ thể phụ nữ

15:30, 08/11/2015

“Lắng nghe cơ thể” là bí quyết phát hiện nhanh bệnh tật, trong đó 9 dấu hiệu dưới đây là không thể bỏ qua, có thể giúp phát hiện bệnh trên cơ thể phụ nữ theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế Anh.

1. Tăng trọng xung quanh vùng bụng

Nếu ai phải thay đổi quần áo thường xuyên do vòng eo tăng dần thì người đó có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa. Một khi vòng eo trên 80 cm (nữ) và 94 cm đối với nam thì nguy cơ mắc hai bệnh này bắt đầu xuất hiện. Nguy cơ tăng tiếp nếu hai số đo trên ngưỡng 88 cm đối với nữ và 102 cm đối với nam. Từ lâu, bệnh tiểu đường thường có liên quan mật thiết với chứng béo phì. Dấu hiệu thường thấy như mệt mỏi, thiếu tập trung, tiểu tiện nhiều và khát nước, suy giảm thị lực, tuần hoàn máu và cuối cùng tuổi thọ bị rút ngắn.

- Giải pháp: Phòng bệnh bằng cách  duy trì cuộc sống vận động, năng luyện thể thao, ăn uống cân bằng, khoa học, đủ chất. Nên đi khám và tư vấn bác sĩ, nếu cần dùng thuốc theo tư vấn để kiểm soát đường huyết và các biến chứng có thể xảy ra.

2. Xuất hiện các đốm vàng quanh mắt

Đây là dấu hiệu của căn bệnh có tên xanthelasma do tích mỡ phía dưới da, biểu hiện của bệnh cholesterol tăng. Xét nghiệm máu khi đói có thể biết nguyên nhân gây bệnh.

- Giải pháp: Một khi đã rõ nguyên nhân, nên thay đổi lối sống, ăn uống cân bằng và năng luyện tập. Bệnh cholesterol, quen gọi mỡ máu cao, là căn bệnh không thể xem thường, yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh tim mạch, đột quỵ.

3. Có các vết quầng thâm quanh mắt

Đôi khi thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng này, nhưng các quầng thâm quanh mắt có thể bắt nguồn từ các chứng dị ứng và thường xuyên do ngứa mắt hoặc chà xát mũi.

- Giải pháp: Nên tìm ra nguyên nhân gây dị ứng, chẳng hạn như bụi bẩn, hóa chất… , cần hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Có thể dùng thuốc kháng sinh chống dị ứng sẽ có tác dụng nhưng trước khi sử dụng nên tư vấn bác sĩ.

4. Ngứa chân

Có thể do môi trường ẩm ướt,  nước ăn chân phát sinh ngứa khó chịu. Đôi khi xuất hiện cả mụn nước hoặc mụn vảy trắng, nhất là ở kẽ chân hoặc phía dưới bàn chân.

- Giải pháp: Rửa sạch chân, để khô sau đó dùng kem chống nấm. Nên giữ vệ sinh và luôn duy trì chân khô thoáng sẽ giúp phục hồi bệnh và hạn chế tái phát.

5. Nứt khóe miệng

Dấu hiệu cho biết cơ thể thiếu vitamin nhóm B và sắt, do tiêu thụ quá ít rau xanh lá thẫm, thịt nạc và trứng, nứt dễ phát sinh nhiễm trùng.

- Giải pháp: Có thể dùng kem bôi chữa trị tại chỗ và dưỡng ẩm cho da, giảm đau. Xem lại thực đơn và bổ sung các loại thực phẩm giàu hai loại dưỡng chất nói trên.

6. Phát ban ngứa ngáy

Nếu dùng kem bôi không đỡ thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh celiac, bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non và gây cản trở sự hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Người mắc bệnh Celiac không thể dung nạp gluten, một loại protein trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Da bị ảnh hưởng, phát ban ngứa khó chịu.

- Giải pháp: Nên xác định xem có phải mắc bệnh Celiac hay không, bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm đơn giản để xác định, nếu dương tính, thì nên dùng thực phẩm không chứa gluten theo khuyến cáo.

7. Tóc mỏng dần

Dấu hiệu cho biết lượng sắt trong máu thấp hơn ngưỡng bình thường. Đây là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ do kinh nguyệt  và sinh đẻ phát sinh chứng thiếu máu. Mắc bệnh về tuyến giáp cũng có thể làm tóc rụng và thưa dần.

- Giải pháp: Nên làm xét nghiệm máu. Nếu do thiếu sắt, nên ăn các thực phẩm giàu sắt hoặc uống viên sắt bổ sung. Nếu mắc bệnh do tuyến giáp, cần khám và điều trị càng sớm càng tốt.

 8. Móng tay giòn, dễ gãy

Rất đa dạng như tiếp xúc quá nhiều với công việc nặng nhọc, thường xuyên sử dụng sơn móng tay. Móng tay giòn đôi khi có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm, bệnh vẩy nến, bệnh tuyến giáp hoặc viêm khớp.

- Giải pháp: Nên dưỡng ẩm móng tay thường xuyên, bổ sung biotin (vitamin B7). Nếu có  các triệu chứng khác như mệt mỏi hay đau khớp thì nên đi khám và điều trị đồng thời những căn bệnh này.

9. Táo bón

Dấu hiệu cho biết cơ thể thiếu chất xơ và nước. Hầu hết mọi người không đáp ứng được đủ nhu cầu chất xơ khuyến cáo trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày nên  dễ bị táo bón, hoặc đầy hơi, chướng bụng.

- Giải pháp: Cơ thể cần cả chất xơ không hòa tan (có trong ngũ cốc nguyên hạt) lẫn chất xơ hòa tan (cám yến mạch) để ngừa táo bón cũng như duy trì cholesterol trong máu hợp lý. Vì vậy nên bổ sung đồng thời hai hợp chất này, có nhiều trong rau củ quả nguyên chất như cà rốt, cần tây, gạo lứt, trái cây tươi, đậu đỗ các loại….

Nguyễn Khắc Hùng

(Theo DM - 10/2015)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.