Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình
Trên địa bàn tỉnh hiện có 150 cộng tác viên ở 30 xã thuộc 6 huyện, thành phố thụ hưởng Dự án là TP. Buôn Ma Thuột, TX.Buôn Hồ, huyện Cư Kuin, Lắk, Buôn Đôn và Krông Pắc. Theo đó, mỗi xã có 5 cộng tác viên làm việc cho trạm y tế có nhiệm vụ tuyên truyền tới các đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49, nam giới và gia đình của họ về việc sử dụng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ chất lượng cao, như: các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị phụ khoa, chăm sóc thai nghén, làm mẹ an toàn và phá thai an toàn…
Chị H’Loen Kbuôr (bên trái) cộng tác viên ở buôn Ea Na B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn cho người dân áp dụng biện pháp tránh thai. |
Để làm tròn vai trò của mình, góp phần giúp người dân trong vùng dự án nắm bắt và hiểu rõ về các thông tin liên quan đến dự án một cách chi tiết nhất, các cộng tác viên phải nỗ lực rất nhiều. Phụ cấp chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng/tháng nhưng chị H’Loen Kbuôr, cộng tác viên buôn Ea Na B thuộc xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn không nề hà khó khăn, tham gia làm việc bằng tất cả sự nhiệt tình, tâm huyết của mình. Từ ngày tham gia công việc của dự án đến nay, bước chân của chị đã quen thuộc với mọi con ngõ, từng ngôi nhà ở buôn Ea Na B. Chị H’Loen chia sẻ: “Để người dân trong buôn làm quen, chấp nhận thực hiện các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ chất lượng cao của phòng tư vấn “tình chị em” như bây giờ, tôi đã từng trải qua một thời gian dài với bao khó khăn trong công tác vận động. Người dân trong buôn đa số là người dân tộc Êđê, trình độ dân trí thấp, vẫn còn quan niệm rằng “đông con hơn nhiều của”. Thế nên, mỗi khi tiếp cận để tuyên truyền, vận động, tôi đã vấp phải sự bất hợp tác, thậm chí là những phản ứng gay gắt từ phía các gia đình. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tôi cứ lân la từ nhà này sang nhà khác, ban ngày không gặp tôi đi ban đêm, giải thích cặn kẽ những lợi ích từ việc CSSKSS/KHHGĐ mang lại. Dần dần, người dân bắt đầu thay đổi suy nghĩ và đến với phòng khám “tình chị em” ngày một nhiều hơn”. Buôn Ea Na B hiện có 62 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49. Từ khi làm việc cho dự án, chị H’Loen Kbuôr đã vận động được 12 chị sử dụng bao cao su, 1 chị tiêm thuốc tránh thai và 42 chị đặt vòng, đạt 95% chỉ tiêu giao.
Chị H’Wem Ênuôl, cộng tác viên buôn Tiêu, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), bắt đầu công việc này có phần thuận lợi hơn. Bởi chị đã có “thâm niên” 9 năm tham gia các hoạt động xã hội với vai trò là cô đỡ buôn, cộng tác viên dân số và cộng tác viên y tế buôn nên mối quan hệ của chị đối với người dân trong buôn đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Chị H’Wem Ênuôl vui vẻ cho biết: “Cũng nhờ đó, trong những lần đến thăm hộ gia đình hay tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tôi và chị em trong buôn nói chuyện rất cởi mở, họ không còn e ngại, giấu bệnh, mạnh dạn đưa ra những thắc mắc, những câu hỏi về bệnh phụ khoa, về cách sử dụng các biện pháp KHHGĐ, điều mà trước đây không dễ thấy ở người đồng bào dân tộc thiểu số”. Thuận lợi là vậy nhưng khó khăn chị H’Wem Ênuôl cũng không ít. Do nhận thức về CSSKSS của người dân còn hạn chế cộng với tâm lý chủ quan nên nhiều phụ nữ trong buôn vẫn chần chừ trong việc khám, điều trị bệnh phụ khoa và áp dụng các biện pháp KHHGĐ dài hạn, dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn… diễn ra thường xuyên. Hơn nữa, địa bàn buôn rộng, dân cư đông nhưng lại sống cách xa, một mình chị H’Wem Ênuôl không thể đến từng hộ để vận động, tuyên truyền cho chị em hiểu được lợi ích của việc CSSKSS/KHHGĐ.
Vì vậy, chị ưu tiên đến thăm và vận động những chị chưa dùng biện pháp tránh thai, gia đình đông con, hộ nghèo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại trạm y tế trước; đồng thời, trong các buổi họp buôn, họp phụ nữ, chị lồng ghép tuyên truyền về lợi ích mà dự án đem lại. Nhờ đó, sau 2 năm thực hiện dự án, đã có 39 chị sử dụng các biện pháp KHHGĐ, như: tiêm thuốc tránh thai, đặt vòng, uống thuốc tránh thai, dùng bao cao su và thường xuyên khám phụ khoa định kỳ.
Ông Huỳnh Bá Linh, cán bộ Ban Quản lý Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các cơ sở y tế Nhà nước” tỉnh cho biết: “Các cộng tác viên không chỉ là cầu nối giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ chất lượng cao mà còn góp phần giảm tải công việc cho mạng lưới y tế tuyến trên. Để phát huy tốt vai trò của đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn, thời gian tới, Ban quản lý Dự án sẽ cung cấp thêm các tài liệu, bộ dụng cụ trực quan cũng như những thông tin mới một cách thường xuyên, liên tục để đội ngũ này tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, giúp người dân biết và sử dụng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ngày càng nhiều hơn”.
Mỹ Hạnh- Quang Nhật
Ý kiến bạn đọc