Tấm lòng người thầy thuốc
Dẫu không hề quen biết, nhưng các y bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho những đứa trẻ bị bỏ rơi tại khoa bằng cả tấm lòng yêu thương của người làm cha, làm mẹ.
Hộ lý Nguyễn Thị Thu Hiền ân cần cho bé trai "con mẹ Thương" bú sữa. |
Cậu bé có tên thường gọi là "con mẹ Thương” được Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 28-12-2015 khi vừa lọt lòng với chẩn đoán suy hô hấp độ 2, nhiễm trùng huyết, vàng da do tắc mật. Suốt 2 tuần liền các y bác sĩ của khoa tích cực chăm sóc, điều trị đưa bé thoát cơn nguy kịch, sau đó tiến hành hội chẩn với bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh tạm ổn, vàng da do tắc mật, chưa loại trừ nhiễm loại virus CMV bào thai. Khi thủ tục chuyển viện hoàn tất, các y bác sĩ tìm người thân của bé thì bên ngoài khu vực chờ không có ai lên tiếng. Liên lạc với số điện thoại của người đưa bé nhập viện thì được biết họ chỉ là hàng xóm của mẹ cháu bé nhưng trước đó mẹ của bé đã bỏ đi đâu không ai biết, bé lại không có cha. Trước tình cảnh ấy, lãnh đạo khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh quyết định tiếp nhận điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bé tại khoa. Kể từ đó, bé đã có “cha mẹ mới” là các y bác sĩ và nhân viên của khoa. Và mỗi ngày, ngoài việc chăm sóc điều trị theo bệnh lý, những người cha, người mẹ ấy lại thay nhau chăm sóc, nuôi nấng đứa trẻ bé bỏng như chính đứa con của mình. Hộ lý Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ: “Hằng ngày, công việc tại khoa rất nhiều, ai cũng làm việc với áp lực cao vì bệnh nhân luôn quá tải. Thế nhưng, mọi người đều để mắt tới bé, hễ ai rảnh tay thì lại đến trò chuyện, cho bé ăn uống, tắm rửa. Nói chung, ở khoa ai cũng giành cho bé tình cảm đặc biệt bởi cháu thiệt thòi hơn những trẻ khác là không có hơi ấm của người thân. Giờ đây, bé đã được gần 2 tháng tuổi, lên cân, bệnh tình đã bớt nhiều, chỉ còn một chút vàng da nữa thôi. Yêu bé bao nhiêu, chúng tôi lại thấy buồn bấy nhiêu vì không biết số phận của cháu rồi sẽ về đâu”.
Bé trai “con mẹ Thương” không phải là trường hợp duy nhất bị người thân bỏ rơi tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh. Trong năm 2015, khoa cũng tiếp nhận 3 trường hợp trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng bệnh nặng và sau đó bị gia đình bỏ rơi. Các cháu đều được các y bác sĩ điều dưỡng, hộ lý của khoa chăm sóc, nuôi nấng tận tình. Điều dưỡng Lê Thị Quế, một trong số những người thường xuyên chăm sóc các bé bị bỏ rơi tại khoa chia sẻ: “Nhiều đêm, các cháu thiếu hơi ấm của mẹ nên khóc thét. Những lúc như vậy, bác sĩ và điều dưỡng phải bế rồi ru cho bé ngủ. Chúng tôi còn thay phiên nhau đi xin sữa của các bà mẹ mới sinh ở bên khoa sản về cho trẻ ăn, rồi quyên góp và vận động các mạnh thường quân ủng hộ để có thêm sữa và đồ dùng cho các cháu sử dụng hàng ngày”. Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh: “Hầu như năm nào ở khoa cũng có trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Chúng đều là những đứa bé mắc bệnh, có bố mẹ hoặc người thân mang đến, cũng được làm hồ sơ nhập viện nhưng chỉ vài giờ sau khi làm hồ sơ thì thân nhân đã bỏ đi mất. Chúng tôi vẫn lưu lại địa chỉ và số điện thoại của gia đình các cháu, nhưng khi liên lạc thì chỉ nhận được những lời từ chối rồi cúp máy sau đó gọi lại không được. Thậm chí, khi chúng tôi phối hợp với địa phương lần theo địa chỉ ghi trong hồ sơ bệnh án để tìm kiếm người thân cho các bé, có trường hợp là địa chỉ không có thật, nhưng cũng có trường hợp tìm được gia đình thì họ một mực từ chối nhận trẻ”.
Quả thực, những nghĩa cử cao đẹp hết lòng với người bệnh, nhất là những bệnh nhi kém may mắn của các y bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất đáng trân trọng. Họ thực sự xứng đáng với lời dạy của Bác: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc